Đăng nhập

Quên mật khẩu

Đăng ký

Đăng ký mới tài khoản VNTRIP:

Quên mật khẩu

Nhập địa chỉ Email đã đăng ký tài khoản Vntrip, hệ thống sẽ gửi thông tin hướng dẫn bạn khôi phục lại mật khẩu.

Tour, điểm đến>

Tour, điểm đến

Luyến Nguyễn Luyến Nguyễn 09/12/2015
4.1K lượt xem

Di tích lịch sử

Hồ Hoàn Kiếm

  • Địa chỉ: Thuộc quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội

Hồ Hoàn Kiếm còn được gọi là Hồ Gươm, là một hồ nước ngọt tự nhiên của thành phố Hà Nội. Hồ có diện tích khoảng 12ha. Tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa thần. Tên hồ được lấy để đặt cho một quận trung tâm của Hà Nội (quận Hoàn Kiếm).

Cầu Thê Húc

Cầu Thê Húc nối bờ hồ Hoàn Kiến với đền Ngọc Sơn. Nơi đây cũng là điểm dừng chân quen thuộc của du khách thập phương mỗi lần đến thủ đô.

Tháp Rùa

Tháp Rùa là một ngọn tháp nhỏ nằm trên gò đảo giữa Hồ Gươm, lui về phía nam hồ, Hà Nội. Xua kia, vua Lê Thánh Tông đã dựng Điếu Đài ở đó để nhà vua ra câu cá. Sang thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ 17-thế kỷ 18) thì chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng trên gò.

Hoàng Thành Thăng Long

  • Địa chỉ: 18 Hoàng Diệu, Phường Quán Thánh, Quận Ba Đình

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ từ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII). Ngày 1/8/2010, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là di sản văn hóa thế giới. Phạm vi di sản thế giới được công nhận là 20 ha (trên tổng số 140 ha của Hoàng thành).

Cột cờ Hà Nội

  • Địa chỉ: đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình

Cột cờ Hà Nội (hay còn gọi Kỳ đài Hà Nội) là một kết cấu dạng tháp được xây dựng cùng thời với thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn (bắt đầu năm 1805, hoàn thành năm 1812). Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế và một thân cột, được coi là một trong những biểu tượng của thành phố.Ngày 10/10/1954, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng – cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội. Nơi đây được công nhận là di tích lịch sử năm 1989.

Văn Miếu Quốc Tử Giám

  • Địa chỉ: Văn Miếu, quận Đống Đa

Điểm nổi bật tại di tích này chính là Khuê văn các (nghĩa là “gác vẻ đẹp của sao Khuê”), được xây dựng vào năm 1805. Gác Khuê Văn vốn là nơi xưa kia dùng để họp bình những bài văn hay của các sĩ tử đã thi trúng khoa thi hội.

Ô Quan Chưởng

  • Địa chỉ: Ô Quan Chưởng, quận Hoàn Kiếm

Ô Quan Chưởng hay còn gọi là ô Đông Hà, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749). Tương truyền, tên gọi Ô Quan Chưởng bắt nguồn từ sự kiện xảy ra vào năm Tự Đức thứ 26, khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội (20/11/1873).

Thành Cổ Loa

  • Địa chỉ: thuộc 3 xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội

Cổ Loa là một quần thể có diện tích trải rộng trên một địa bàn rộng lớn, gần 500ha. Cổ Loa là di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm.

Tháp Hòa Phong

  • Địa chỉ: đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Tháp Hòa Phong là một di tích cổ còn sót lại của Chùa Báo Ân, một ngôi chùa lớn xây năm 1842 ở Hà Nội.

Phố cổ Hà Nội

  • Địa chỉ: quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Khu đô thị này tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành lên những phố nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô. Ngày nay khu phố cổ Hà Nội là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.

Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Địa chỉ: 17 Ngọc Hà, Ba Đình

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi đặt thi hài của chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng được xây dựng từ ngày 2/9/1973 đến 29/8/1975, tại vị trí của lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Người đã từng chủ trì các cuộc mít tinh lớn. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6 mét. Lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp; lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, cầu thang lên xuống; lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp.

Hỏa Lò

Địa chỉ: Đường Hỏa Lò, Phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.

Địa danh này được đặt theo con phố của Hà Nội có từ trước thời Pháp thuộc. Đây từng là nơi giam giữ rất nhiều nhà Cách mạng lớn của Việt Nam. Nhà tù này được thực dân Pháp xây năm 1896. Nơi đây giam giữ nhiều hạng người, trong đó có những tù phạm chính trị, những người ái quốc chống lại chính quyền thực dân Pháp.

Quảng trường Ba Đình

  • Địa chỉ: quận Ba Đình

Quảng trường này còn là nơi ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt, vào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quảng trường có khuôn viên với chiều dài 320m và rộng 100m, có 240 ô cỏ, xen giữa là lối đi rộng 1,4m. Giữa quảng trường là cột cờ cao 25m.

Nhà 48 Hàng Ngang

  • Địa chỉ: 48 Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Ngôi nhà này từng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập.

Nhà 5D phố Hàm Long

  • Địa chỉ: 5D phố Hàm Long

Tại đây tháng 3 năm 1929, kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội Bắc kỳ đã họp thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Việt Nam, gồm có bảy đảng viên: Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Đức Cảnh, Dương Hạc Đính, Kim Tôn (Nguyễn Tuân) và bầu Trần Văn Cung (Quốc Anh) làm bí thư chi bộ. Chi bộ chủ trương phải tích cực vận động thành lập một đảng cộng sản ở Việt Nam thay tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Tượng đài Chiến thắng B52

  • Địa chỉ: Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội

Tượng đài Chiến thắng B52 là một tượng đài ghi lại chiến công của quân và dân Hà Nội trong việc bắn rơi máy bay B52 của không lực Hoa Kỳ, trong Chiến tranh Việt Nam.

Cầu Long Biên

  • Địa chỉ: Đường Cầu Long Biên, quận Hoàn Kiếm

Vị trí được chọn để xây cầu đúng ngay vị trí mà chiếc tàu của Pháp nổ súng bắn vào Ô Quan Chưởng và Cửa Bắc trước đó. Cầu gồm 20 bệ trụ xây và mố, với chiều sâu 30m và cao 13,5m tính mức nước thấp nhất. Phía hữu ngạn có cầu vòm dài 800m, toàn thân cầu là 2.500m. Đây đã từng là cây cầu dài thứ hai trên thế giới – được mệnh danh là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội – chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ.

Nhà sàn Bác Hồ

  • Địa chỉ: Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội

Nhà sàn Bác Hồ là một di tích đặc biệt quan trọng trong quần thể di tích Phủ Chủ tịch. Năm 1954 từ Việt Bắc trở về Hà Nội, Bác Hồ chọn cho mình ngôi nhà nhỏ của người công nhân thợ điện. Người ở đây từ 19/12/1954 đến tháng 5/1958. Mùa hè năm 1958, Cục thiết kế cơ bản thuộc Tổng cục Hậu cần đã thi công ngôi nhà này.

Tượng đài Lý Thái Tổ

  • Địa chỉ: đường Đinh Tiên Hoàng, P.Lý Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm.

Gò Đống Đa

  • Địa chỉ: đường Tây Sơn, P. Quang Trung, Q. Đống Đa

Đài tưởng niệm Khâm Thiên

  • Địa chỉ: 49 Khâm Thiên, P. Khâm Thiên, Q. Đống Đa

Đền Voi Phục

  • Địa chỉ: 261 Thụy Khuê, P. Thụy Khuê, Q. Tây Sơn

Nhà lưu niệm 90 Thợ Nhuộm

  • Địa chỉ: 90 Thợ Nhuộm, P. Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm

Du lịch sinh thái

Vườn Quốc gia Ba Vì

  • Địa chỉ: núi Ba Vì, huyện Ba Vì (Hà Nội) và 2 huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn (Hòa Bình).

Nơi này có trên 1.000 loài thực vật, trong đó có khoảng 200 loài cây dược liệu, nhiều loài quý như bách xanh, thông, dẻ, lát hoa. Về động vật, nơ đây có 45 loài thú, 115 loài chim, 61 loài bò sátvà 27 loài ếch nhái, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Namvà thế giới như gà lôi trắng, khỉ, báo, gấu, sóc bay, v.v.

Khoang xanh

  • Địa chỉ: Xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội

Khoang Xanh nằm trong một khu vực có rừng nguyên sinh. Khu du lịch này bao gồm các phân khu: Khu Công viên nước Suối Tiên, Khu nhà hàng, khách sạn phục vụ ăn uống nghỉ ngơi và tắm nước nóng, Lội suối tham quan thác và rừng. Lội suối thuộc một khu vực khoảng 200 ha rừng nguyên sinh và có trên 2km suối tự nhiên.

Danh mục di sản

Làng gốm Bát Tràng

  • Địa chỉ: Làng Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm
    Làng quê Việt Nam còn lưu lại nhiều làng nghề đặc sắc, góp phần điểm tô cho sự đa dạng phong phú của nền văn hóa nước ta. Một trong những làng nghề được lưu danh đó là Làng gốm Bát Tràng, một trong những làng nghề cho ra đời nhiều sản phẩm tinh tế, sống động, ắp đầy màu sắc quê hương.

Làng lụa Vạn Phúc

  • Địa chỉ: Phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội

Là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước.Lụa Vạn Phúc có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất ở Việt Nam. Lụa Hà Đông từng được chọn may trang phục cho triều đình.

Tranh Hàng Trống

  • Địa chỉ: Phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Làng nghề này có hai dòng tranh chính là tranh thờ và tranh Tết. Trong đó, tranh thờ dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng phục vụ đền phủ của Đạo giáo. Loại tranh này thường được các cụ chạm bằng vàng hay bạc thật dát mỏng. Tranh Tết thì Chúc phúc, Tứ quý…

Làng hoa Ngọc Hà

  • Địa chỉ: phường Ngọc Hà, quận Ba Đình

Làng nghề này trồng hoa từ lâu đời. Thời kỳ đầu, dân làng chỉ trồng các loại hoa để cúng như mẫu đơn, hồng, huệ, sói, cúc, thiên lý. Hoa được xâu vào lạt thành tràng hoa hoặc gói trong lá tươi buộc lạt. Đầu thế kỷ XX, người Pháp nhập các loại hoa ngoại (lay ơn, cẩm chướng, cúc…) và rau ngoại đến Ngọc Hà để trồng, dùng vào các dịp lễ, tết theo lịch dương.

Đúc đồng Ngũ Xã

  • Địa chỉ: phố Ngũ Xã, quận Ba Đình

Ngũ Xã là một địa phương nổi tiếng với nghề đúc đồng. Những pho tượng và đồ thờ bằng đồng của Ngũ Xã đã có mặt ở nhiều đình, chùa lớn ở Việt Nam. Một trong những sản phẩm nổi tiếng của Ngũ Xã là pho tượng Phật A Di Đà ở chùa Thần Quang nằm ngay tại làng Ngũ Xã. Pho tượng cao 3,95m, khoảng cách giữa hai đầu gối là 3,6m, không có những sai sót về kỹ thuật đúc. Đây được xem là pho tượng đức Phật A Di Đà bằng đồng đầu tiên ở Việt Nam.

Làng miến Cự Đà

  • Địa chỉ: xã Cự Khê, huyện Thanh Oai

Ngày nay, Cự Đà được biết đến như một thương hiệu sản xuất miến lớn của miền Bắc. Những người thợ tất bật như những nét chấm phá tô điểm cho một làng nghề trù phú. Nhiều thế hệ đã trôi qua, nghề làm miến ngày càng phát đạt. Sản phẩm miến từ đây được phân phối đi khắp nơi, lượng khách đặt hàng càng tăng.

Bảo tàng

Bảo tàng Dân Tộc học Việt Nam

  • Địa chỉ: Nguyễn Văn Huyên, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy

Bảo tàng lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật văn hoá của cả 54 dân tộc Việt Nam. Các hiện vật này được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau như: dân tộc, công dụng, y phục, trang sức, nông cụ, ngư cụ, vũ khí, đồ gia dụng, nhạc cụ, tôn giáo-tín ngưỡng, cưới xin, ma chay và nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

  • Địa chỉ: 66 Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, Ba Đình

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những bảo tàng có vị trí quan trọng nhất trong việc lưu giữ kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Bảo tàng Hồ Chí Minh

  • Địa chỉ: 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội

Đây là một bảo tàng vào loại lớn nhất của Việt Nam. Bảo tàng trưng bày những hiện vật, tư liệu về cuộc đời và con người Hồ Chí Minh. Địa điểm này nằm trong khu vực có nhiều di tích như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ chủ tịch, Chùa Một Cột… tạo thành một quần thể các di tích thu hút khách thăm quan trong và ngoài nước.

Bảo tàng Công Binh

  • Địa chỉ: 290 Lạc Long Quân, phường Bưởi, Tây Hồ

Bảo tàng Công binh thuộc loại hình lịch sử quân sự có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, trưng bày, tuyên truyền giới thiệu các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học. Bảo tàng phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Bộ đội Công binh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bảo tàng lịch sử Việt Nam

  • Địa chỉ: Số 1 Tràng Tiền, Phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là nơi lưu giữ những hiện vật, phản ánh các nền văn hóa, lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt Nam từ thuở ban đầu khai sáng đến ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như Trống đồng Đông Sơn, gốm Bát Tràng, tượng thần Shiva, cọc gỗ trong trận Bạch Đằng,…

Bảo tàng Cách Mạng Việt Nam

  • Địa chỉ: 25 Tông Đản, phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm

Bảo tàng Cách mạng Việt Nam là nơi tái hiện lịch sử đấu tranh hàng trăm năm qua của nhân dân Việt Nam chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ, chống phong kiến, giành lại nền độc lập tự do cho Việt Nam.

Bảo tàng Không Quân

  • Địa chỉ: 171 Trường Chinh, Khương Mai, Thanh Xuân

Trong kho lưu trữ của Bảo tàng PK- KQ đang lưu giữ trên 62.000 tư liệu, hiện vật gốc quý hiếm về lịch sử oanh liệt của bộ đội Phòng không – Không quân Việt Nam. Bảo tàng đã đón tiếp nhiều đoàn khách quốc tế, đặc biệt là đón các vị nguyên thủ quốc gia, các tướng lĩnh của quân đội các nước, được đón tiếp các đoàn khách quan trọng của một số nước trên thế giới trong đó có các cựu phi công Mỹ đã tham gia chiến tranh ở Việt Nam.

Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam

  • Địa chỉ: 28A Điện Biên Phủ, phường Điện Biên Phủ, Ba Đình

Rất nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử được trưng bày tại đây như: chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ; máy bay MiG-19, MiG-21 và tên lửa Sam 2 và Sam 3 trong chiến dịch chống Mỹ, những chiếc chông tre bình dị mà hữu dụng. Ngoài ra, nơi này còn trưng bày chiếc xe tăng của binh đoàn cơ giới tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng đã tiến vào Dinh Độc Lập.

Đền, chùa và nhà thờ

Đền Quán Thánh

  • Địa chỉ: phố Quán Thánh, quận Ba Đình

Tên chữ là Trấn Vũ Quán, có từ đời Lý Thái Tổ (1010 – 1028) thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa. Đền Quán Thánh nằm bên cạnh Hồ Tây, cùng với chùa Kim Liên và chùa Trấn Quốc tạo nên sự hài hoà trong kiến trúc cảnh quan và trong văn hoá tín ngưỡng đối với cả khu vực phía Tây Bắc của Hà Nội.

Đền Bạch Mã

  • Địa chỉ: 76 phố Hàng Buồm, P. Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm

Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ 9 để thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng)- vị thần gốc của Hà Nội cổ. Năm 1010, khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, định đắp thành nhưng nhiều lần thành đắp lên lại bị sụp đổ. Vua cho người cầu khấn ở đền thờ thần Long Đỗ thì thấy một con ngựa trắng từ đền đi ra. Vua lần theo vết chân ngựa, vẽ đồ án xây thành, thành mới đứng vững. Thần được vua Lý Thái Tổ phong làm Thành hoàng của kinh thành Thăng Long.

Đền Kim Liên

  • Địa chỉ: thuộc Phường Kim Liên, quận Đống Đa
    Đền Kim Liên vốn được lập nên để thờ Cao Sơn Đại Vương (theo tín ngưỡng dân gian, thì đây là một người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sau theo mẹ lên núi).

Đền Voi Phục

  • Địa chỉ: Thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình

Đền được lập để thờ con của vua Lý Thái Tông, và bà phi thứ 9 Dương Thị Quang, nhưng tương truyền vốn là con của Long Quân, tên gọi là Hoàng Châu, thác sinh, là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, và đã hi sinh trên phòng tuyến sông Cầu vào năm 1076.

Chùa Hương

  • Địa chỉ: Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội

Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp.

Chùa Một Cột

  • Địa chỉ: Đội Cấn, Ba Đình

Chùa Một Cột chỉ có một gian nằm phía trên một cột đá ở giữa hồ Linh Chiểu nhỏ và có trồng nhiều hoa sen. Phía trên điện là cột tòa sen chạm, phía trước điện thì dựng lầu chuông, một cột tám cạnh có biểu tượng hoa sen. Chùa Một Cột có kết cấu làm bằng gỗ, bên trong có đặt tượng Phật bà Quan Âm để thờ cúng.

Chùa Quán Sứ

  • Địa chỉ: 73 Phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm

Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, vào thời vua Lê Thế Tông, các nước Chiêm Thành, Ai Lao thường cử sứ giả sang triều cống Việt Nam. Nhà vua cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long. Vì sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên lại dựng thêm một ngôi chùa cũng nằm trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ. Thời gian đã xóa đi dấu khu nhà Quán Sứ nhưng ngôi chùa thì vẫn tồn tại.

Chùa Trấn Quốc

  • Địa chỉ: Đường Thanh Niên, quận Tây Hồ

Chùa có lịch sử 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long – Hà Nội. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang. Đây là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và thời Trần.

Đền Ngọc Sơn

  • Địa chỉ: Hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Đền hiện nay được xây dựng từ thế kỷ 19. Lúc đầu được gọi là chùa Ngọc Sơn, sau đổi gọi là đền Ngọc Sơn vì trong đền chỉ thờ thần Văn Xương Đế Quân, vị anh hùng có công phá quân Nguyên thế kỷ 13.

Đình Bát Tràng

  • Địa chỉ: Làng Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm

Chùa Tĩnh Lâu (Chùa Sải)

  • Địa chỉ: Phường Bưởi, quận Tây Hồ
    Chùa được dựng trong một khu vực có cảnh quan đẹp, phía trước chùa là hồ Tây, và cảnh quan toàn khu vực còn có sự hiện diện của chùa Trấn Quốc, đền Vệ Quốc, phủ Tây Hồ… tạo nên một quần thể di tích văn hóa.

Phủ Tây Hồ

  • Địa chỉ: Phường Quảng An, quận Tây Hồ

Phủ thờ Liễu Hạnh Công chúa, một nhân vật trong truyền thuyết, và là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt. Theo truyền thuyết, phủ được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17.

Nhà thờ

Nhà thờ Lớn Hà Nội

  • Địa chỉ: 40 Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Nhà thờ Lớn Hà Nội là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội, nơi có ngai tòa của tổng Giám mục. Đây cũng là một nhà thờ cổ tại thành phố này, thường xuyên diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội.

Nhà thờ Cửa Bắc

  • Địa chỉ: Số 56 Phan Đình Phùng, Quán Thánh, Ba Đình

Nhà thờ được xây vào năm 1931 – 1932, do một linh mục, kiến trúc sư người Pháp tên là Đô-pô-lit thiết kế theo kiểu hình chữ nhật, kết hợp phong cách Á – Âu, không tuân theo quy tắc đối xứng, mà lệch với tháp chuông cao ở bên phải và cân bằng với mái vòm ở trung tâm. Kiến trúc nhà thờ Cửa Bắc thể hiện sự hòa hợp với khung cảnh nhiệt đới, với văn hóa phương Đông.

Nhà thờ Hàm Long

  • Địa chỉ: 21 Phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm

Nhà thờ Hàm Long là một nhà thờ của Giáo hội Công giáo Rôma, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, Việt Nam. Đây là một trong những nhà thờ lớn ở Hà Nội.

Lễ hội truyền thống

Lễ hội làng Võng La

  • Thời gian: 13 – 15/1 âm lịch hàng năm

  • Địa điểm: Đình Đại Độ, làng Đại Độ, xã Võng La, huyện Đông Anh

Lễ hội nhằm suy tôn Ngũ vị Tôn Thần: Quốc Công Đại Vương và Lã Nương Phu nhân Đại Vương cùng ba người con là Linh Khổn (Đệ Nhất Linh Tố Đại Vương), Minh Chiêu (Đệ Nhị Linh Tố Đại Vương) và Cung Mục (Đệ Tam Linh Tố Đại Vương).

Lễ hội đền Ba Xã

  • Thời gian: 12/6 âm lịch hàng năm

  • Địa điểm: xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa

Từ lâu lễ hội đã trở thành lệ của năm thôn: Thịnh Cầu, Thịnh Bằng, Thịnh Thần, Thịnh Thượng, Thịnh Hạ và dân chúng thập phương kéo về dự hội rất đông. Để chuẩn bị cho mỗi kỳ lễ hội, người năm thôn ở Minh Đức nuôi năm con nghé. Trước ngày lễ hội các con nghé được dắt đến thi. Con nào vào giải thì được chọn để hôm sau mở hội giết thịt tế thần và chia đều để năm thôn thụ lộc.

Lễ hội làng Cổ Trai

  • Thời gian: 10/8 – 11/8 âm lịch

  • Địa điểm: làng Cổ Trai, xã Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội

Ngày hội rước nước do nhân dân địa phương tiến hành. Lực lượng tham gia lễ rước được chia thành 2 đội. Các đội này mặc trang phục ngày hội. Đi đầu đoàn rước là đội múa rồng, lộng lẫy uy nghi, uốn lượn theo nhịp trống, phách dồn dập. Múa rồng là một nghệ thuật, đòi hỏi người múa sao cho giống “rồng bay”, uốn lượn nhịp nhàng. Tiếp sau là đội bát âm, nhã nhạc như: Sáo, nhị, đàn gảy, tù và…

Lễ hội đền Đại Lộ

  • Thời gian: 1/2 – 10/2 âm lịch hàng năm

  • Địa điểm: Đền Đại Lộ, chùa Đại Lộ và đền Quan, xã Ninh Sở, huyện Thanh Trì

Lễ hội nhằm suy tôn “Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương” là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thương Ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Địa, lưu giữ được nét đẹp văn hóa thờ Mẫu truyền thống lâu đời của nhân dân Việt Nam.

Hội húc Cầu Gỗ

  • Thời gian: Mùng 3 Tết

  • Địa điểm: Làng Xuân Dục Đông, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn

Hội húc cầu gỗ ở Xuân Dục thể hiện ước mong từ ngàn đời của người dân chuyên trồng lúa nước: mong mưa thuận gió hòa; quả cầu đỏ tượng trưng cho mặt trời chuyển động từ đông sang tây. Người Xuân Dục lấy sự thắng, thua của hội như là một sự dự báo thời tiết trong năm: Bên tây thua báo hiệu vụ mùa khó khăn, nước ít, sâu bệnh nhiều. Bên đông thua là năm đó được mùa, nước nôi đầy đủ, không sâu bệnh. Hai bên hòa là năm đó khí hậu bình thường, dân làng tha hồ sản xuất và chăn nuôi.

Hội làng Đức Diễn

  • Thời gian: 10/2 – 13/2 âm lịch hàng năm

  • Địa điểm: Thôn Đức Diễn, Phú Diễn, Từ Liêm

Hội làng Đức Diễn có những cỗ bánh riêng để cúng thần như: bánh dầy, bánh cuốn và mía. Làng Đức Diễn vốn là làng nông nghiệp, chỉ lo việc trồng lúa không có cây gì khác. Người làng kể lại có ông Lý Năm trong một lần về quê vợ ở Đoan Hùng ăn giỗ, thấy giống bưởi quá ngon đã xin một cành chiết đem về Đức Diễn.

Lễ hội Miếu Mạch Lũng

  • Thời gian: 10/2 – 12/2 âm lịch hàng năm

  • Địa điểm: xã Địa Mạch, huyện Đông Anh

Trong suốt 3 ngày lễ hội, các đoàn đại diện cho các tổ đội sản xuất, nhóm đồng niên, đông ngũ, đồng môn… và các gia đình lần lượt mang lễ lên miếu làm lễ dâng hương. Những gia đình làm ăn khá giả có thể dâng đến 5 mâm lớn với thủ lợn, xôi, gà, trầu cau, bánh cốm… và những gia đình nghèo nhất cũng thể hiện lòng thành với đĩa xôi, khoanh thịt. Tất cả các việc đại sự trong các gia đình như hiếu, hỉ, xây nhà…đều phải dừng lại để tập trung cho ngày Thánh.

Lễ hội đền Và

  • Thời gian: 15/1 âm lịch hàng năm

  • Địa điểm: Đền Và, Thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, Sơn Tây

Cứ 3 năm thì tổ chức lễ hội lớn một lần vào các năm Tý – Mão – Ngọ – Dậu. Năm lễ hội lớn ở đền Và có lệ tục rước nước do dân làng Di Bình thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đảm nhiệm. Cũng vào năm tổ chức lễ hội lớn, các làng có liên quan tín ngưỡng ở đền cùng nhau tổ chức một cuộc rước lớn. Tất cả có 8 làng tham gia, gồm: Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Đạm Trai thuộc xã Trung Hưng; làng Phù Sa, Phú Nhi (Bần Nhi) thuộc xã Viên Sơn và làng Di Bình (tỉnh Vĩnh Phúc).

Hội làng Lai Tảo

  • Thời gian: 11/3 – 13/3 âm lịch hàng năm

  • Địa điểm: làng Lai Tảo, xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức

Tương truyền, sau khi giúp Hai Bà Trưng đánh quân Nam hán, thắng trận trở về, 3 vị Đại Vương (Đệ nhất Đại vương Cao Quế Minh thượng đẳng thần, Đệ nhị đại vương Cao Tuấn trung đẳng thần, Đệ nhị đại vương Cao Châu Pháp trung đẳng thần) du xuân ở lễ hội chùa Hương đã qua miền Cảo Trang (tên gọi của Làng Lai Tảo trước đây), nơi cha mẹ 3 vị đã nghỉ lại. Các vị đã cấp cho làng 12 nén bạc, 12 nén vàng để mở hội ăn mừng. Từ đó, hàng năm cứ đến ngày 11, 12 13/3 âm lịch là làng mở hội để tưởng nhớ công đức của các vị đại vương.

Hội đình Giàn

  • Thời gian: 9/2 – 11/2 âm lịch hàng năm

  • Địa điềm: Cảo Đỉnh, Xuân Đỉnh, Từ Liêm

Làng Giàn là tên nôm của thôn Cáo Đỉnh, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, thờ tướng Lý Phục Man thời Tiền Lý (544-555) có công lập nhà nước độc lập Vạn Xuân. Hội Giàn còn có đấu “cờ người”, quân cờ là những cô gái làng xinh đẹp thủ vai. Ngoài ra, còn có các trò vui, các cuộc thi đấu võ dân tộc.

Lễ hội đình làng An Hạ

  • Thời gian: 12/1 hàng năm

  • Địa điểm: 3 thôn Đào Nguyên, Ngự câu, An Hạ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức

Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ đến công lao to lớn của các vị thành hoàng. Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Lễ hội làng Tạ Xá

  • Thời gian: 10/3 – 15/3 âm lịch hàng năm

  • Địa điểm: làng Tạ Xá, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên

Trong lễ hội đã diễn ra nhiều cuộc thi tài giữa các làng, trong đó thi gà, thi gạo, thi bánh chưng. Từ sau cách mạng Tháng Tám và những năm chiến tranh, hội làng bị gián đoạn không tổ chức được. Khoảng chục năm lại đây, Tạ Xá đã khôi phục lại hội làng tháng 3, lễ hội diễn tra trong 2 ngày 11 và 12 thàng 3 âm lịch hàng năm, được dân làng và người xa quê nhiệt tình hưởng ứng, với tinh thần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông.

Lễ hội đền Măng Sơn

  • Thời gian: 6/1 – 12/1 âm lịch hàng năm

  • Địa điểm: đền Măng Sơn, Ba Vì

Đền Măng Sơn là đền cổ thờ Đức Thánh Tản Viên của cả tổng Tường Phiêu xưa. Tương truyền: Đức Tản Viên từ núi Ba Vì đi thăm thú các nơi. Một hôm, ngài đến đất Sơn Đông, thấy cảnh sắc nên thơ, nhân dân đôn hậu, đời sống lại khá giả, liền ở lại, cho lập một cung điện ở đồi Măng Sơn . Nhân dân quanh vùng học được nghề săn bắt của ngài nên nhiều người săn bắt chim muông rất giỏi. Sau ngày ngài rời quê hương, dân làng nhớ công lao lớn đó, lập đền thờ và tổ chức lễ hội hàng năm ở đền Măng Sơn.

Lễ hội Cổ Loa

  • Thời gian: 6/1 – 16/1 âm lịch hàng năm

  • Địa điểm: làng Cổ Loa

Làng Cổ Loa gồm 12 xóm nhưng hội Cổ Loa là của chung một cụm tám làng (ngày trước gọi là Bát Xã) gồm: Ðài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép. Cả 8 làng này đều thờ Thục Phán nên đều tham gia tổ chức hội.

0 bình luận

    Cần tìm khách sạn giá tốt

    0963 266 688

    Hoặc để lại thông tin
    Vntrip sẽ gọi lại cho bạn

    Một số cẩm nang khác, bạn muốn biết?

    Xem tất cả

    Các khách sạn phù hợp với bạn! Đừng bỏ lỡ