Tour, điểm đến
Nội dung chính
Danh lam thắng cảnh
Sông Hương
Sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch hợp lưu nơi ngã ba Tuần (dân gian gọi là Bảng Lảng). Từ đây sông Hương theo hướng Nam Bắc qua điện Hòn Chén, Ngọc Trân, chuyển Tây Bắc, uốn quanh bãi Nguyệt Biều, Lương Quán, xuôi về Đông Bắc lặng lẽ trôi về Huế trong dư vang của Truờng Sơn, đi qua chốn yên giấc ngàn thu của các vua Nguyễn.
Dòng sông mềm như tấm lụa, sắc nước xanh thẳm, tiếp tục hành trình đi qua Cồn Hến và những làng quê yên ả, qua ngã ba Sình mảnh đất phủ Dòng sông trắng – Lá cây xanh, Sông Hương như “thanh kiếm bạc dựng giữa trời xanh”. Biết bao tao nhân mặt khách lênh đênh trên quãng sông này với một “phiến trăng sầu” “Hương Giang nhất phiến nguyệt, Kim cổ hứa đa sầu…”
Núi Ngự Bình
- Địa chỉ: xã Thủy An, thành phố Huế
Núi Ngự Bình chỉ cao 105m. Trước kia, vua Gia Long chọn Bằng Sơn làm tiền án của Kinh thành và đặt tên mới là Ngự Bình. Hiện nay, núi Ngự Bình rợp bóng thông xanh là nơi thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời. Đứng trên đỉnh núi, bạn có thể nhìn thấy sông nước, cỏ cây, cung điện, chùa chiền, lăng tẩm, đất trời tươi đẹp Huế, và xa hơn là dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp vàbiển Đông xanh ngắt một màu.
Đồi Vọng Cảnh
- Địa chỉ: Phía Tây Nam thành phố Huế
Đồi Vọng Cảnh nằm ven Sông Hương, chỉ cách lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh chừng 600m, cách trung tâm thành phố khoảng 7km, không xinh đẹp và nổi tiếng như núi Ngự Bình nhưng đúng như tên gọi, đứng trên đồi Vọng Cảnh, du khách có thể bao quát bức tranh phong cảnh thiên nhiên bao la kỳ thú của xứ Huế.
Hồ Tĩnh Tâm
Hồ Tĩnh Tâm nằm trong phạm vi kinh thành Huế, hồ được tạo dựng dưới thời vua Gia Long. Đến năm 1838 vua Minh Mạng cho cải tạo lại hồ, đặt tên là Tĩnh Tâm và cho xây thêm nhiều công trình như điện, gác, lầu, đảo, cầu… làm cho hồ Tĩnh Tâm trở nên một trong những thắng cảnh nổi tiếng của đất thần kinh.
Núi Bạch Mã
- Địa chỉ: Nằm trong vườn Quốc gia Bạch Mã, Phú Lộc, Tp.Huế
Ðứng trên đỉnh núi Bạch Mã, du khách có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh lộng lẫy của đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai và ánh điện lung linh của thành phố Huế vào ban đêm.
Bãi biển Thuận An
Thuận An là nơi thu hút rất đông người dân xứ Huế về hóng mát và tắm biển vào dịp hè. Thời kỳ tấp nập nhất ở đây thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 lúc tiết trời nóng bức nhất.
Bãi biển Cảnh Dương
Là một trong những bãi biển đẹp nhất ở Huế, Cảnh Dương cách thành phố Huế chừng 60km, dài 8km, rộng 200m, hình vòng cung, nằm giữa mũi Chân Mây Tây và Chân Mây Ðông, phong cảnh đẹp hấp dẫn. Bãi biển có độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, nước biển trong xanh và tương đối kín gió.
Bãi biển Lăng Cô
- Địa chỉ: thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế
Bãi biển Lăng Cô hiền hòa, nguyên sơ với một dải cát trắng mịn, mặt nước biển xanh trong, được bình chọn là vịnh đẹp nhất thế giới. Ở đây có resort Lăng Cô nằm sát biển với phong cảnh yên bình tĩnh lặng, thích hợp cho du khách thích rời xa chốn thành thị, một địa điểm đẹp của du lịch Huế.
Di tích lịch sử
Ngọ Môn
- Địa chỉ: Góc phía Tây Nam bên trong Hoàng thành Huế
Vừa là cổng chính, vừa là bộ mặt Đại Nội, Ngọ Môn được xây dựng vào năm 1833 khi Minh Mạng cho quy hoạch lại mặt bằng và hoàn chỉnh lại kiến trúc trong Đại Nội. Ngọ Môn là một tổng thể kiến trúc đa dạng, phía trên lầu Ngũ Phụng với chức năng như một lễ đài, dùng để tổ chức một số lễ nghi trọng thể như duyệt binh, lễ xướng tên những người thi đổ tiến sĩ…
Đại Nội
- Địa chỉ: phường Thuận Thành, thành phố Huế
Là khu di tích lịch sử quý nhất trong quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá Thế giới ngày 11-12-1993. Giá vé tham quan Đại nội là 55.000đ/khách, thuê HDV theo đoàn để thuyết minh giá 100.000đ/tour, thuê xe điện chở đi khắp các cung trong đại nội giá 120.000đ/xe 4 chỗ – 150.000đ/xe 6 chỗ.
Nhà giam Chín Hầm
- Địa chỉ: ấp Ngũ Tây, làng An Cựu, xã Thủy An, thành phố Huế.
Nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” – Nhà giam Chín Hầm do Ngô Đình Cẩn cải tạo từ một nơi để vũ khí đạn dược do người Pháp để lại.
Lăng Khải Định
- Địa chỉ: Quốc lộ 49, X. Thủy Bằng, H. Hương Thủy, T. Thừa Thiên Huế
Lăng Khải Định là công trình cổ xưa có kiến trúc vô cùng độc đáo và đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới.Đây là công trình có lối kiến trúc độc đáo pha trộn giữa nét hiện đại của Châu Âu và nét cổ điển của Việt Nam. Một vẻ đẹp đặc trưng của Huế khi đi tour du lịch Huế.
Lăng Tự Đức
- Địa chỉ: Đoàn Nhữ Hải, P. Thủy Xuân, Tp. Huế, T. Thừa Thiên Huế
Lăng Tự Đức nằm giữa một rừng thông bát ngát. Đây là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn được khách tham quan du lịch đến Huế rất quan tâm. Các công trình xây dựng cũng đã bị xuống cấp nhiều. Giá vé tham quan 55.000đ/khách.
Lăng Minh Mạng
- Địa chỉ: núi Cẩm Kê, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế
Đây có thể được xem là Lăng lớn ở Huế, kiến trúc hài hòa và đẹp mắt. Bên trong lăng là một không gian của hội họa, thi ca và triết học. Sự uy nghiêm, nét tĩnh tại của kiến trúc và khung cảnh gợi tình của thiên nhiên, hoa cỏ thể hiện tính cách nghiêm khắc, tri thức uyên bác và tâm hồn lãng mạn của nhà vua, một vẻ đẹp trong các khu du lịch Huế.
Du lịch sinh thái
Vườn quốc gia Bạch Mã
- Địa chỉ: huyện Phú Lộc và Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế
Nơi này có diện tích: 22.030 ha với các đỉnh núi cao trên 1.000m chạy theo hướng từ tây sang đông, thấp dần ra đến biển đông (đỉnh Bạch Mã cao 1.450m). Vườn Quốc gia có hệ động thực vật cũng rất phong phú và đa dạng với nhiều loài quý hiếm và đặc hữu. Các nhà khoa học đã ghi nhận được 931 loài động vật cùng một số loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm như Voọc ngũ sắc, vượn đen má trắng, Culi lớn, Culi nhỏ, Gấu…
Khu du lịch sinh thái Nam Đông
- Địa chỉ: huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế
Không ồn ào, xô bồ, du lịch sinh thái ở Nam Đông – Thừa Thiên Huế thật yên bình. Không gian lắng đọng, khung cảnh tươi đẹp và gần như còn hoang sơ. Điều này đã hấp dẫn nhiều du khách, nhất là những người thích trải nghiệm, khám phá.
Trang trại sinh thái Đá Bàng – Hói Mít
- Địa chỉ: thôn Hói Mít, bên Vịnh Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế
Vừa bước vào cổng trang trại, du khách sẽ thấy một con đường cong cong lãng mạn, hai bên đan xen những vườn cây trải dài 4 mùa hoa trái. Đến đây, bạn sẽ được khám phá giếng đá hình phễu có hơn 100 năm về trước, những cây kiểng cùng đồ gốm sứ cổ như: lu, vại, ché, bình hoa… Thêm vào đó là giàn phong lan đủ màu sắc, hay những chiếc cầu bắc qua các con suối, ao cá nước mát trong.
Suối nước khoáng Mỹ An
- Địa chỉ: xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế
Nước khoáng Mỹ An có thể so sánh với nhiều loại nước khoáng nổi tiếng trên thế giới như ở Koundour (Liên Xô cũ) và Paven Banis (Bungari).
Nhà vườn Lạc Tịnh Viên
Địa chỉ: 33 đường Phan Đình Phùng, Huế.
Điện thoại: (84-54) 3 833237
Lạc Tịnh Viên do nhà thơ Hồng Khẳng sáng lập vào năm 1889 trên lô đất có diện tích 2.070m2. Lạc Tịnh Viên có khuôn viên đẹp, thoáng mát. Con đường dẫn vào nhà hai bên là hàng hoa dâm bụt, rồi những khóm hoa hồng, nguyệt quế, mai tứ quý… trồng đối xứng nhau.
Nhà vườn Ngọc Sơn Công Chúa
Địa chỉ: 29 đường Nguyễn Chí Thanh, Huế.
Điện thoại: (84-54) 3 525411
Ngọc Sơn Công chúa là con gái của vua Ðồng Khánh. Khi công chúa hạ giá, vua Ðồng Khánh cấp cho một khu đất rộng 2.370m2 để lập phủ. Nhà vườn được xây dựng tương đối sớm và được các thế hệ con cháu bảo quản hầu như còn nguyên vẹn. Toàn bộ mặt bằng khuôn viên được quy hoạch theo nguyên tắc phong thủy của người phương Ðông, có các yếu tố: tiền án (bình phong), minh đường (hồ nước), thế rồng chầu hổ phục…
Nhà vườn Tịnh Gia Viên
Địa chỉ: Số 20/3 đường Lê Thánh Tôn, Huế.
Điện thoại: (84-54) 3 522243
Chủ nhân ban đầu của khu vườn 850m2 này là một công chúa, cách bây giờ là bốn đời. Sau đó vườn được sang lại cho một vị bộ Công dưới triều Nguyễn. Bước vào đây, ngoài hòn non bộ lớn, xây dựng rất công phu đẹp mắt, còn có vườn cây kiểng trên vài ba trăm chủng loại khác nhau. Nhờ bàn tay khéo léo của chủ nhân, mỗi cây kiểng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, một vẻ rất riêng như gốc mai 150 năm, gốc vạn tuế 200 năm.
Nhà vườn Tỳ Bà Trang
Địa chỉ: 51 đường Ông Ích Khiêm, Huế.
Điện thoại: (84-54) 3 524254.
Tỳ Bà Trang có diện tích 1000m2. Nhà vườn được coi như một Bảo tàng nhạc học truyền thống Huế nói riêng và ba miền Trung – Nam – Bắc nói chung. Khi đặt viên gạch đầu tiên để hình thành Tỳ Bà Trang, chủ nhân chưa đặt yếu tố vườn lên hàng đầu mà tâm niệm nguyện ước phục hưng nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, một loại hình văn hóa phi vật thể mà cha ông ta đã sáng tạo, vun đắp.
Danh mục di sản:
Kinh thành Huế
- Địa chỉ: thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng.
Hoàng thành Huế
Hoàng Thành nằm bên trong Kinh Thành, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành – nơi dành riêng cho vua và hoàng gia.
Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành nguyên gọi là Cung Thành và là vòng tường thành thứ 3 của Kinh đô Huế, giới hạn khu vực làm việc, ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia.
Bảo tàng
Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế
- Địa chỉ: số 3, Lê Trực, Huế.
Tòa nhà chính của viện bảo tàng bằng gỗ, có 128 cây cột gỗ quý, trên các cột có hình chạm khắc tứ linh: long – li – quy – phụng và hơn 1000 bài thơ bằng chữ Hán. Hiện bảo tàng trưng bày hơn 300 hiện vật bằng vàng, sành, sứ, pháp lam Huế, ngự y và ngự dụng, trang phục của hoàng thất nhà Nguyễn, cho khách tham quan một cái nhìn tổng thể về cuộc sống cung đình Huế.
Phân viện bảo tàng Hồ Chí Minh
Ðịa chỉ: 6 đường Lê Lợi, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ðiện thoại: (84 – 54) 822 152 / 820 445.
Phân viện Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế là nơi trưng bày nhiều hiện vật, tranh ảnh nói về sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt giới thiệu về 10 năm Người ở Huế.
Du lịch tâm linh
Đền – chùa – nhà thờ
- Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, xã Hương Long.
Năm 1601, chùa được xây dựng. Từ đó đến nay, chùa đã được trùng tu nhiều lầm. Đặc biệt, năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả đại hồng chung cao 2,5m nặng 3285kg. Năm 1715, chúa lại cho xây dựng tấm bia cao 2,58m đặt trên lưng con rùa bằng cẩm thạch. Tháp Phước Duyên được vua Thiệu Trị cho xây vào năm 1844. Tháp hình bát giác cao 7 tầng (21m).
- Chùa Từ Đàm: số 01 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngôi chùa cũ có nhà tiền đường, mái ngói, ba gian, rộng 7,4m, dài 18m. Gian trong cùng thờ tượng đức Phật Thích Ca ngự trên tòa sen, tay bắt ấn Tam muội. Tượng bằng đồng, cao khoảng 1,30m, do hai ông Nguyễn Khoa Toàn và Nguyễn Hữu Tuân thực hiện năm 1940. Hai bên tượng treo hai tràng phan, một bên đề danh hiệu 7 đức Phật ở Ta Bà, một bên đề danh hiệu 7 đức Phật ở Tịnh Độ…
- Chùa Quy Thiện: thôn Tứ Tây, xã Thuỷ An, TP. Huế.
Chùa được xây dựng vào năm Quý Hợi (1923) dưới thời vua Khải Định (1917-1925) do Đông Các Đại học sĩ, Nam tước, Thượng thư Thái Văn Toản, pháp danh Như Cơ, hiệu Thiện Khê, cùng phu nhân là bà Công Tôn Nữ Lương Cầm, pháp danh Thanh Thiện tạo lập. Trong chùa thờ tự trang nghiêm, chánh điện thờ Tam thế Phật, phía trước tôn trí pho tượng Quán Thế Âm bằng đồng có nét mặt rất đẹp, thuần chất Á Đông.
- Chùa Báo Quốc tọa lạc trên đồi Hàm Long
Từ đây nhìn xuống hướng đông là đường Điện Biên Phủ (con đường dẫn lên đàn Nam Giao) và nhìn về hướng bắc là ga xe lửa. Chùa do Hoà Thượng Giác Phong, người Quảng Đông, Trung Quốc, khai sơn vào cuối thế kỷ 17 dưới đời vua Lê Dụ Tông và đặt tên là Hàm Long Tự. Sau đó Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban sắc tứ Báo Quốc Tự vào năm 1747. Hiện vẫn còn tấm biển vàng thếp vàng và những bức liễu từ thời ấy. Thời Tây Sơn chùa bị sử dụng làm công xưởng.
- Chùa Từ Hiếu: xã Thủy Xuân
Khuôn viên chùa rộng chừng 8 mẫu, phía trước có khe nước uốn quanh chảy róc rách đêm ngày, phong cảnh rất thơ mộng. Trước cổng chùa có ngôi tháp cao 3 tầng được xây dựng vào năm 1896 dùng làm nơi tàng trữ kinh tượng theo sắc chỉ của nhà vua. Cổng chùa được xây theo kiểu vòm cuốn, hai tầng có mái che và ngay trước con đường lát gạch để vào chánh điện là một hồ bán nguyệt xinh xắn ngát hương sen.
- Chùa Huyền Không: xã Hương Hồ, huyện Hương Trà
Chùa Huyền Không do Thượng Tọa Viên Minh, hệ phái Theravada (Nam Tông) lập vào năm 1973. Chùa nổi tiếng với vườn hoa, cây cảnh bonsai, và cả thơ. Về sau sư Giới Đức còn lập ra Huyền Không sơn thượng, trên một ngọn núi vùng Long Hồ, cách chùa cũ khoảng 5 cây số, với vườn rừng rất rộng và cũng trở thành một danh lam thắng cảnh..
- Chùa Thiền Lâm: đồi Quảng Tế, ấp Cư Sĩ, xã Thuỷ Xuân, Huế.
Chùa thuộc hệ phái Theravada (nam tông) do ngài Hộ Nhẫn lập ra năm 1960. Lúc đầu là một cốc đá đơn sơ, nhưng đạo hạnh của ngài đã làm cho Phật tử cả Nam tông và Bắc tông kính phục, cùng nhau cúng dường để lập nên chùa Thiền Lâm năm 1966.Ngài đã xây ở đây hai tượng Phật lớn, một tượng Phật nhập niết bàn và tượng Phật đứng, tay cầm bình bát khất thực trên đỉnh đồi.
- Chùa Đông Thiền: xã Thủy Xuân, Huế
Chùa Đông Thiền được xây dựng từ thế kỷ thứ 18 do ngài Tế Vĩ, đệ tử của ngài Liễu Quán, lập ra. Chùa càng trở nên nổi tiếng từ thể kỷ 19 khi Công chúa Ngọc Cơ con gái Vua Gia Long xuất gia tại đây. Hiện nay, chùa vẫn giữ được đường nét kiến trúc cổ xưa, hiện chùa còn lưu giữ chiếc khánh đồng có từ thời ngài Tế Vĩ, tấm biển sơn son thếp vàng thời Thiệu Trị, bia bằng đá thanh thời Minh Mạng.
- Chùa cổ Thiện Khánh: xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền
Chùa Thiện Khánh đã tồn tại trên dưới 300 năm. Chùa xây hướng nam, quay mặt ra dòng sông Bồ. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Quan Thánh, đồng thời là nơi bảo quản địa bộ, sắc phong, chúc văn… của làng. Nhiều hiện vật có giá trị hiện vẫn còn được nhà chùa lưu giữ như quả chuông đồng do thượng thư Đặng Văn Hòa cúng dường dưới thời Tự Đức, hoành phi, bia đá, các pho tượng phật, tượng hộ pháp…
- Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam: tọa lạc trên đồi Phước Quả (06 đường Nguyễn Trường Tộ, phường Phức Vĩnh, Tp. Huế)
Nhà thờ có tổng diện tích khuôn viên là 10.804m2. Hiện nay, đây là nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Huế.
Lễ hội truyền thống
- Lễ hội đua ghe truyền thống: bờ Sông Hương trước trường Quốc Học.
Hội được tổ chức trong một ngày, vào ngày lễ Quốc Khánh 02-9 (dương lịch). Hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên nam nữ có cơ hội thi tài trên sông nước, qua đó rèn luyện tăng cường bảo vệ sức khỏe và tạo không khí vui tươi lành mạnh cho nhân dân. Cuộc đua có các cự ly 800 mét, 1000 mét, 3000 mét.
- Hội vật làng Sình: xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (TT-Huế).
Hội Được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại khu vực đình làng để cầu sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu. Đây cũng là dịp để giải trí ngày đầu Xuân và khuyến khích thanh niên rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm.
- Lễ điện Hòn Chén (Lễ Vía Bà): làng Hải Cát, huyện Hương Trà.
Điện Hòn Chén thờ nữ thần Po Nagar. Ngoài ra, tại điện còn thờ Phật, thờ Thánh Quan Công và hơn 100 vị thần thánh khác thuộc vào hàng đồ đệ của các thánh thần nói trên. Nghi lễ tại Ðiện Hòn Chén rất long trọng. Dân làng tổ chức tế tại đình. Lễ được tổ chức vào ngày 2- 3/3 âm lịch.
- Hội chợ xuân Gia Lạc: xã Phú Thượng, H.Phú Vang, Thừa Thiên Huế.
Chợ thường họp vào ngày mùng 1 Tết.Những người đi chợ không quan trọng việc mua bán lỗ lãi mà chỉ coi đây là một dịp đi du xuân,cầu may. Cũng bởi vì vậy mà phiên chợ có tên là Gia Lạc (có nghĩa là vui tươi).
- Lễ hội Cầu Ngư: làng Thai Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là Trương Quý Công, người có công bày cho dân nghề đánh cá và buôn bán ghe mành. Hội này có lệ đặc biệt là cứ ba năm một lần tổ chức các trò diễn tả những sinh hoạt nghề biển.
Nội dung chính
Cần tìm khách sạn giá tốt
0963 266 688
Hoặc để lại thông tin
Vntrip sẽ gọi lại cho bạn
0 bình luận