- Tin tức > Du lịch > Miền Trung > Đà Nẵng >
Tìm về những lễ hội làng trên mảnh đất Đà Nẵng
Nội dung chính
Con người ta lớn lên trong những câu hát ru của bà, của mẹ, trong những thứ tình cảm thiêng liêng của gia đình, của xóm làng, của quê hương, đất nước và gắn với những nét văn hóa đặc sắc mà chứa đựng những ý nghĩa thật lớn lao.
Lễ hội làng Tuý Loan – Bản sắc văn hoá muôn đời
Lễ hội diễn ra vào thời gian hai ngày mùng 9 và mùng 10 tháng giêng tại xã Hoà Phượng, huyện Hoà Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 15 km về phía Tây Nam. Là một trong số những ngôi làng còn lưu giữ được những nét văn hóa cổ truyền, đặc trưng trên mảnh đất hình chữ S giàu truyền thống, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao biến thiên của thời gian, tính đến nay, làng Túy Loan đã tồn tại được hơn 500 năm.
Mái đình cong cong, nơi diễn ra các lễ hội Đà Nẵng, các hoạt động của làng cũng vững chãi ở đó hơn 100 năm, được xây dựng vào năm 1889 – năm Thành Thái thứ nhất với diện tích trên 110 m2, nằm trong khuôn viên rộng hơn 8.000 m2. Như đã thành tục lệ, hàng năm cứ đến ngày mùng 9 và mùng 10 tháng giêng, hai thôn Đông, Tây lại nô nức chuẩn bị cho lễ hội làng trong không khí tươi vui của đất trời vào xuân, của lòng người phơi phới.
Lễ hội làng Tuý Loan (Ảnh sưu tầm) |
Lễ hội làng tại địa điểm du lịch này được tổ chức quy mô, giữ nguyên vẹn những bước cơ bản. Trước tiên là lễ rước sắc phong, một chiếc bàn nhỏ được chuẩn bị để đặt sắc phong, 4 người khiêng, chung quanh phủ vải đỏ vàng, có lọng che, đi theo có 9 lá cờ, 1 lá vuông và 8 lá chéo. Hòa trong không khí linh thiêng ấy là tiếng chiêng trống, tiếng kèn của ban nhạc bát âm khiến lễ hội càng thêm phần tôn nghiêm.
Sau khi đã rước một vòng quanh làng, sắc phong sẽ được đưa về đình để tiến hành lễ dâng hương để tưởng nhớ năm vị tiền hiền của năm họ Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê – những người có công đi mở mang bờ cõi về phương nam vào năm Hồng Đức và đã dừng chân chọn nơi đây để lập nghiệp khai khẩn làm ăn và đặt tên cho làng là Tuý Loan.
Ngoài ra, du khách còn được tham gia vào nhiều trò chơi dân gian vui nhộn tại lễ hội làng Tuý Loan gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước như kéo co, nhảy dây, đập om, nấu cơm, cờ tướng… Đôi lúc lại là hát bội, hát đối đáp, giao duyên, càng khiến không khí lễ hội thêm nhộn nhịp.
Lễ hội Đà Nẵng làng Túy Loan được tổ chức còn mang một ý nghĩa tôn vinh những hình thức nghề nghiệp truyền thống mà nổi bật có lẽ là nghề làm bánh tráng, bởi vậy trong phần hội cuộc thi nướng bánh tráng luôn thu hút được sự chú ý của du khách.
Hát, đối đáp (Ảnh sưu tầm) (2) |
Cuộc thi thường diễn ra với hai đội thi thôn Đông và thôn Tây, trong không khí sôi động, qua những cử chỉ nướng bánh thoăn thoắt của những cô gái khéo léo, những chiếc bánh ra lò và người thắng cuộc chính à người đem về vinh, góp phần tôn vinh một nghề truyền thống lâu đời của làng. Tại đình, người dân trong làng trao đổi các loại giống lúa mới, cây con mới, cách nuôi trồng, giúp bà con “gặt” thêm được nhiều kinh nghiệm hữu ích.
Tham dự lễ hội đình làng Tuý Loan là một dịp để du khách hiểu thêm về một vùng đất, một phong tục được gìn giữ lưu truyền qua nhiều thế hệ tại ngôi làng Tuý Loan tại Đà Nẵng.
Lễ hội làng An Hải – Quá khứ oai hùng
Nhắc đến lễ hội Đà nẵng, hẳn bạn không thể quên lễ hội được tổ chức hằng làng An Hải, mang ý nghĩa tinh thần thiêng liêng đối với người dân địa phương và là một điểm nhấn trong công cuộc bảo tồn những nét đẹp văn hoá giá trị của vùng đất Đà Nẵng.
Lễ hội đình làng An Hải được khôi phục năm 2000, tổ chức trong hai ngày thu tế hàng năm, từ mồng 10 đến 11 tháng 08 âm lịch hàng năm, tại địa điểm Làng An Hải thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Lễ hội đình làng An Hải nhắc nhở mọi người dân làng sinh sống tại đây luôn tự hào về một quá khứ hào hùng khi các vua nhà Nguyễn cho xây một thành trì kiên cố ngay tại làng, gọi là thành An Hải, trong thế kết hợp với thành Điện Hải ở phía tây ngày đêm bảo vệ cảng biển địa điểm du lịch Đà Nẵng, tuy nhiên đã bị hư hại nặng vào rạng sáng ngày 1- 09- 1858 khi quân Pháp tiến đánh đến nơi này.
Thời gian cứ vô tình chảy trôi, đem theo những dấu tích cuối cùng của thành An Hải chôn vùi dưới những lớp bụi mờ nhưng những gì là của quá khứ hào hùng vẫn được truyền tụng lại bằng những gì đáng trân trọng nhất và tên đất, tên làng vẫn còn đó, vang vọng những hồi quang oanh liệt, tượng trưng cho tinh thần, ý chí và cả sức mạnh của dân tộc.
Lễ hội làng An Hải (Ảnh sưu tầm) |
Lễ hội tại địa điểm du lịch đình làng An Hải được được tổ chức ở đình làng, trong không khí linh thiêng, hào hùng, lịch sử như một lần nữa lặp lại thời khắc ấy. Sau phần lễ, dân làng cũng như khách du lịch sẽ di chuyển ra phía bờ sông để tham gia cuộc thi lắc thúng, với cư dân miền biển khơi mặn mòi, dường như trò chơi ấy đã trở thành một phần máu thịt.
Phần hội chính là phần được mong chờ nhất với không khí sôi động, thu hút lòng người và dường như người ta trót quên đi thời gian. Mỗi thời khắc trong ngày đều được người dân nơi đây tận dụng, nếu lúc mặt trời còn đang tỏ, các cuộc thi như cờ tướng, kéo co, chèo thuyền,…được tổ chức, thì khi hoàng hôn buông xuống, người ta lại tham gia vào đội múa lân trong tiếng chiêng trống, trong những điệu múa hùng tráng, để rồi khi màn đêm đã bao phủ, đen đặc, chương trình hát lễ, hát tuồng diễn ra sôi nổi, mang đậm bản sắc dân tộc. Đấy mới chỉ là ngày đầu tiên của lễ hội.
Sang đến ngày 11, phần lễ chính thức mới bắt đầu được tiến hành, dâng lễ tế theo nghi thức cổ truyền dân tộc, trong tình yêu thương, đùm bọc của dân làng.
Nếu có dịp du lịch tại thành phố Đà Nẵng vào đúng dịp có lễ hội làng An Hải thì du khách nên ghé thăm, hoà mình vào lễ hội để thưởng thức không khí tấp nập và thêm hiểu biết về nét văn hoá của những ngôi làng cổ xưa.
Lễ hội làng Hoà Mỹ – Cội nguồn xa xưa
Lễ hội Đà Nẵng – làng Hoà Mỹ diễn ra trong hơn một ngày vào ngày 12 tháng giêng âm lịch tại đình làng Hoà Mỹ, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Lễ hội đình làng Hòa Mỹ được tổ chức nhằm nhắc nhở tinh thần hướng về cội nguồn của người dân trong làng và tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công với đất nước, có công xây dựng nên làng Hòa Mỹ hơn 400 năm qua.
Lễ hội làng Hoà Mỹ – lễ hội tại Đà Nẵng (Ảnh sưu tầm) |
Trước khi lễ hội chính thức được khai mạc, dân làng đã có một khoảng thời gian để chuẩn bị, dọc hai bên đường Nguyễn Huy Tưởng dẫn vào khu đình làng, cờ hoa đã được trang trí rợp sắc màu. Xung quanh ngôi đình làng cũng được chuẩn bị khá chu đáo, đủ đầy các lễ phẩm, không gian… để chào đón dòng người ở khắp mọi nơi nô nức về với lễ hội đậm ý nghĩa văn hóa này.
Phần lễ tôn nghiêm theo nghi thức cổ truyền gồm lễ vọng và lễ hội kỵ chính thức, với mong muốn cầu quốc thái dân an, phóng sinh, nghi lễ dâng hương… Phần hội có nhiều nội dung phong phú, vừa hiện đại lại vừa bảo tồn được nét truyền thống.
Sau khi phần lễ tại địa điểm du lịch này được cử hành long trọng, phần hội bao giờ cũng là lúc sôi động, nhộn nhịp nhất. Cuộc thi chạy luôn là cuộc thi mở màn, không chỉ đơn thuần là một cuộc vui mà còn có giá trị tinh thần lớn lao, nhằm thử sức bền bỉ, dẻo dai, thu hút đông đảo nông dân, thanh niên, thiếu niên, nam nữ học sinh tham gia. Bên cạnh đó, mỗi lứa tuổi lại có một cuộc thi riêng, phù hợp hơn như người cao tuổi biểu diễn dưỡng sinh, thanh niên thì thi cắm hoa, nấu cơm, làm bánh…
Ngay từ chiều ngày 11 âm lịch, tại khu vực quanh đình làng, một phiên chợ quê ẩm thực cũng chính thức được mở ra với những món ăn dân gian truyền thống tạo nên một sắc màu chân quê dân dã, như nhắc nhở con cháu dù đi đâu về đâu cũng không quên nguồn cội, tiên tổ.
Trò chơi dân gian đua thuyền (Ảnh sưu tầm) |
Tham gia các lễ hội Đà Nẵng cũng là một hình thức đi du lịch độc đáo đối với du khách, tưởng chừng như những điều ấy quá xa vời mà lại ở ngay trước mắt, quá khứ, hiện thực và tương lai cứ đan xen, quyện hòa trong màu sắc linh thiêng, huyền ảo mà lại rất đỗi bình dị, mộc mạc.
Nội dung chính
Cần tìm khách sạn giá tốt
0963 266 688
Hoặc để lại thông tin
Vntrip sẽ gọi lại cho bạn
0 bình luận