Đăng nhập

Quên mật khẩu

Đăng ký

Đăng ký mới tài khoản VNTRIP:

Quên mật khẩu

Nhập địa chỉ Email đã đăng ký tài khoản Vntrip, hệ thống sẽ gửi thông tin hướng dẫn bạn khôi phục lại mật khẩu.

Thông tin địa phương>

Thông tin địa phương

Luyến Nguyễn Luyến Nguyễn 09/12/2015
4.2K lượt xem

Vị trí địa lý

Nằm chếch về phía Tây Bắc của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hà Nội có vị trí từ 20°53′ đến 21°23′ vĩ độ Bắc và 105°44′ đến 106°02′ kinh độ Đông, tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ở phía Bắc, Hà Nam, Hòa Bình phía Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên phía Đông, Hòa Bình cùng Phú Thọ phía Tây. Hà Nội cách thành phố cảng Hải Phòng 120km. Sau đợt mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8 năm 2008, thành phố có diện tích 3.324,92 km2, nằm ở cả hai bên bờ sông Hồng, nhưng tập trung chủ yếu bên hữu ngạn.

Địa hình Hà Nội thấp dần theo hướng từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông với độ cao trung bình từ 5 đến 20 mét so với mực nước biển. Nhờ phù sa bồi đắp, 3/4 diện tích tự nhiên của Hà Nội là đồng bằng, nằm ở hữu ngạn sông Đà, hai bên sông Hồng và chi lưu các con sông khác. Phần diện tích đồi núi phần lớn thuộc các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai,Mỹ Đức, với các đỉnh núi cao như Ba Vì (1.281m), Gia Dê (707m), Chân Chim (462m), Thanh Lanh (427m), Thiên Trù (378m)… Khu vực nội thành có một số gò đồi thấp, như gò Đống Đa, núi Nùng.

Thủ đô Hà Nội có bốn điểm cực là:

Cực Bắc là xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Cực Tây là xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì.

Cực Nam là xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức.

Cực Đông là xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm.

Lịch sử

Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam từ năm 1976 đến nay, và là thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1946. Đây cũng là thành phố lớn nhất Việt Nam về diện tích với 3328,9km2, đồng thời cũng là địa phương đứng thứ nhì về dân số với 6.699.600 người (2011). Hiện nay, thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt của Việt Nam. Hà Nội nằm giữa đồng bằng sông Hồng trù phú, nơi đây đã sớm trở thành một trung tâm chính trị và tôn giáo ngay từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam.

Năm 1010, Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của nhà Lý, quyết định xây dựng kinh đô mới ở vùng đất này với cái tên Thăng Long. Trong suốt thời kỳ của các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, kinh thành Thăng Long là nơi buôn bán, trung tâm văn hóa, giáo dục của cả miền Bắc.

Khi Tây Sơn rồi nhà Nguyễn lên nắm quyền trị vì, kinh đô được chuyển về Huế và Thăng Long bắt đầu mang tên Hà Nội từ năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng. Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương và được người Pháp xây dựng, quy hoạch lại. Trải qua hai cuộc chiến tranh, Hà Nội là thủ đô của miền Bắc rồi nước Việt Nam thống nhất và giữ vai trò này cho tới ngày nay.

Văn hóa

Trước khi Thăng Long trở thành kinh đô của nước Đại Việt, vùng đất này đã sản sinh ra nền văn hóa dân gian với nhiều truyền thuyết, huyền tích, ca dao, tục ngữ… Ví dụ như truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy – bài học về chữ tín và cảnh giác. Truyền thuyết Ông Gióng – bài học về mong muốn sống yên bình hay đền Bạch Mã với huyền tích ngựa trắng và nhờ có dấu chân ngựa, Lý Công Uẩn mới xây được thành Thăng Long.

Cùng với đó là các lễ hội mang đậm màu sắc lịch sử, bởi Thăng Long – Hà Nội là kinh đô – Thủ đô, nơi tập trung các nhân vật lịch sử và những sự kiện lịch sử. Lễ hội dân gian của Hà Nội có tác động tích cực, sâu sắc đến đời sống tinh thần vì trong các lễ hội bao giờ cũng có các hình thức diễn trò, diễn xướng, qua đó từng người rút ra những bài học cho bản thân.

Và cũng qua lễ hội và trong lễ hội, mọi hành động đều chứa đựng ý nghĩa thiêng liêng, đặc biệt luôn hướng tới: khoan dung – khoan hòa – khoan nhượng của dân Đại Việt. Tuy là kinh đô, là đô thị lớn nhất của cả nước nhưng vẫn còn “kẻ quê” nằm trong kẻ Chợ, những kẻ Mơ, kẻ Láng, kẻ Mọc… vẫn tồn tại cho đến hôm nay và gắn với mỗi kẻ là những tục lệ, hương ước riêng, tiêu biểu và đặc trưng cho mỗi nơi.

Theo số liệu điều tra, Hà Nội còn lưu giữ được hàng trăm bản hương ước bằng chữ Hán và chữ Nôm. Thăng Long – Hà Nội là đất lành nên người bốn phương hội tụ về đây sinh sống. Từ đó, họ đã mang theo phong tục, tập quán cùng với các lễ hội dân gian quê hương, làm cho văn hóa Thăng Long – Hà Nội thêm phong phú. Không đâu trên đất Việt Nam lại có nhiều làng văn hiến như ở Hà Nội, vì thế gọi Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến là hoàn toàn đúng.

Song song với văn hóa phi vật thể, văn hóa vật thể trên đất Thăng Long – Hà Nội cũng vô cùng nhiều, từ kiến trúc Phật giáo, kiến trúc dân gian, rồi kiến trúc Pháp thể hiện rõ ở các công trình đình, đền, chùa, miếu và các công trình nhà ở nằm rải rác tại các quận, huyện trong thành phố, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm với hơn 100 di tích.

Công trình kiến trúc có giá trị lâu đời nhất phải kể đến là Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trường đại học lâu đời nhất Việt Nam. Công trình này được xây dựng vào nửa cuối của thế kỉ XI, thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam.

Công trình thứ hai phải kể đến là chùa Một Cột thanh thoát như đóa hoa sen. Sự độc đáo trong kiến trúc chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá. Cùng với ao hình vuông phía dưới có thể là biểu tượng cho đất (trời tròn, đất vuông), ngôi chùa như vươn lên cái ý niệm cao cả: Lòng nhân ái soi tỏ thế gian.

Đến đời nhà Hậu Lê, Nho giáo được trọng hơn vì thế đình làng ra đời. Không chỉ thờ thành hoàng, đình còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của làng xã, phường nghề trên đất Thăng Long. Theo thống kê, hiện Hà Nội có 5.175 di tích văn hóa, lịch sử trong đó di tích đã xếp hạng là 2.209 (chiếm 42,65%), trở thành Thành phố dẫn đầu cả nước cả về số lượng di tích. Đặc biệt, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Hội Gióng ở đền Phù Đổng – Sóc Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.

Trong gần 100 năm đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp gây ra nhiều nỗi thống khổ cho dân Việt, nhưng ở góc độ khác thì họ cũng để lại trên đất Hà Nội nhiều công trình kiến trúc có giá trị, góp vào di sản văn hóa khiến văn hóa Hà Nội đa dạng hơn.

Ngay sau khi giải phóng Thủ đô, ngoài những việc khôi phục nền kinh tế bị tàn phá thì khôi phục và xây dựng nền văn hóa mới trên cơ sở văn hóa truyền thống cùng đồng thời được tiến hành. Với văn hóa vật thể, nhiều công trình có kiến trúc mới được xây dựng như Đại học Bách khoa, Hội trường Ba đình, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Và đặc biệt, phải kể đến công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ có giá trị kiến trúc, công trình Lăng còn có giá trị lịch sử với lòng kính yêu và biết ơn vô hạn với Người.

Sau này, còn có nhiều công trình văn hóa lớn như Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, tượng đài vua Quang Trung, vua Lý Thái Tổ và gần đây nhất là tượng Bác Hồ – Bác Tôn đặt trong Công viên Thống Nhất.

Con người

Lòng tự trọng bắt nguồn từ ý thức dân tộc, trân trọng và tự hào về truyền thống vẻ vang của tổ tiên, ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như trong quá trình cách mạng và kháng chiến. Người Hà Nội luôn luôn trân trọng và tự hào về những chiến thắng lẫy lừng chống ngoại xâm trên vùng đất Thăng long.

Người Hà Nội có lòng nhân ái, khoan dung, yêu chuộng hòa bình. Lòng nhân ái của người Hà Nội vốn đã có nguồn gốc sâu xa từ chính cuộc sống, sinh hoạt và đấu tranh lâu dài của dân tộc. Đây là bản chất, đồng thời là hệ quả tất yếu của một đất nước đã buộc phải dành đến hơn một nửa thời gian lịch sử của mình để đối phó với chiến tranh.

Ngoài ra, người dân ở đây rất có nghị lực, trung thực, thẳng thắn và giàu nghĩa khí. Người dân ở các vùng của đất nước đưa nghề thủ công về Hà Nội, tạo thành nghề 36 phố phường sầm uất. Nghị lực của người Hà Nội còn được thể hiện ở con đê ngăn lũ sông Hồng đắp suốt chiều dài lịch sử ngàn năm xây dựng đô thành.

Óc thực tế, sáng tạo và nhạy cảm với cái mới cũng là đức tính của người dân thủ đô. Do hoàn cảnh đô thị hội tụ người bốn phương nên khách quan đòi hỏi người Hà Nội có đầu óc thực tế, thể hiện ở các mặt: Xem xét tính toán trong làm ăn để có lợi nhiều. “Khéo tay hay làm, đất lề Kẻ Chợ” là câu ngạn ngữ quen thuộc ca ngợi tài hoa, sáng tạo của những người thợ thủ công kinh thành. Người Hà Nội xưa và nay có khả năng thích nghi rất nhanh, rất nhạy cảm, khá năng động và không ngại tiếp nhận những cái mới và tìm tòi, cải tiến, sáng tạo thành cái của mình. Điều này thể hiện trong các công trình kiến trúc, văn hóa, trong việc du nhập các luồng tư tưởng tôn giáo, không chỉ tiếp xúc giao lưu với các nền văn hóa phương Bắc mà cả với nền văn hóa phương Tây…

Người Hà Nội rất trọng học thức, chuộng cái đẹp. Chính vì Hà Nội là nơi hội tụ và đỉnh cao của nền văn hóa dân tộc, nên vùng đất và con người Thăng Long cũng là nơi có tinh thần ham học và quý trọng trí thức. Do sống trong môi trường của đô thành, lại có học vấn khá nên người Hà Nội cảm nhận được vẻ đẹp từ thiên nhiên, cảnh quan môi trường, kiến trúc nghệ thuật, thích thưởng ngoạn những nơi thiên nhiên đẹp, những bức tranh đẹp.

Thanh lịch là nét đẹp ngàn đời của người dân Thủ đô. Họ khá lịch sự, tinh tế trong cách ứng xử, giao tiếp, xử lý các mối quan hệ một cách mềm mại, uyển chuyển mà hiệu quả cao. Sự thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện qua từng lời nói. Cái thanh, cái đẹp của tiếng nói Hà Nội ở chỗ chuẩn xác, phát âm đúng, mẫu mực cho cả nước.

Nét thanh lịch của người Hà Nội còn được thể hiện ở trang phục. Trang phục của cả nam và nữ, của người già và trẻ nhỏ… luôn giữ được vẻ trang nhã, hài hòa, giản dị và mỗi người ăn mặc đúng với vị thế xã hội và nghề nghiệp của mình. Trang phục áo dài của thanh nữ Hà Nội vẫn là nét đẹp tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam.

Trong ăn uống, người Hà Nội thể hiện nét thanh lịch ở trình độ thẩm mỹ cao, sự tinh tế trong cách chế biến thức ăn. Chính chất sành điệu trong ăn uống ấy mà người Hà Nội đã sáng tạo nhiều món ăn nổi tiếng trở thành đặc sản Hà thành như: Phở, bún thang, bún ốc, chả cá, bánh cuốn Thanh trì, chè kho, cốm vòng, bánh tôm Hồ Tây…

0 bình luận

    Cần tìm khách sạn giá tốt

    0963 266 688

    Hoặc để lại thông tin
    Vntrip sẽ gọi lại cho bạn

    Các khách sạn phù hợp với bạn! Đừng bỏ lỡ