Đăng nhập

Quên mật khẩu

Đăng ký

Đăng ký mới tài khoản VNTRIP:

Quên mật khẩu

Nhập địa chỉ Email đã đăng ký tài khoản Vntrip, hệ thống sẽ gửi thông tin hướng dẫn bạn khôi phục lại mật khẩu.

Thông tin địa phương>

Thông tin địa phương

Luyến Nguyễn Luyến Nguyễn 07/12/2015
4.0K lượt xem

Giới thiệu vị trí địa lý

Đà Lạt là một thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, ở độ cao 1.500 m so với mặt nước biển và diện tích tự nhiên: 393,29 km².

Với nhiều cảnh quan đẹp, Đà Lạt là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam. Trong thời Pháp thuộc, tên tiếng Latin Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem có nghĩa là “cho những người này niềm vui, cho những người khác sự mát mẻ”. Đà Lạt được mệnh danh là: thành phố hoa, thành phố tình yêu, thành phố mùa xuân, thành phố sương mù.

Thành phố Đà Lạt nằm trong cao nguyên Lang Biang, phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, Về phía Bắc, Đà Lạt giáp với huyện Lạc Dương, về phía Đông và Đông Nam giáp với huyện Đơn Dương, về phía Tây và Tây Nam giáp với hai huyện Lâm Hà và Đức Trọng.

Hàng trăm năm trước đây, Đà Lạt là địa bàn cư trú của người Lạch, vốn là cư dân của toàn bộ cao nguyên Lang Biang. Đà Lạt có diện tích hơn 400 km², bao bọc bởi các đỉnh núi cao và dãy núi liên tiếp:

  • Phía Bắc và Tây Bắc giới hạn bởi dãy Chorơmui, Yộ Đa Myut (1.816 m), Tây Bắc dựa vào chân dãy núi Chư Yang Kae (1.921 m), thuộc quần sơn Lang Biang mà đỉnh cao nhất là Chư Yang Sinh (1.408 m).

  • Phía Đông là chân dãy núi Bi Doup (2.278 m) dốc xuống cao nguyên Dran.

  • Phía Đông Nam chắn bởi dãy Cho Proline (1.629 m).

  • Phía Nam và Tây Nam có dãy núi Voi (1.754 m) và Yàng Sơreng bao bọc.

Địa hình: Cao trung bình so với mặt biển là 1.500 m. Nơi cao nhất trong trung tâm thành phố là Nhà Bảo Tàng (1.532 m), nơi thấp nhất là thung lũng Nguyễn Tri Phương (1.398,2 m).

Bên trong cao nguyên, địa hình Đà Lạt phân thành hai bậc rõ rệt:

Bậc địa hình thấp là vùng trung tâm có dạng như một lòng chảo bao gồm các dãy đồi đỉnh tròn, dốc thoải có độ cao tương đối 25-100 m, lượn sóng nhấp nhô, độ phân cắt yếu, độ cao trung bình khoảng 1.500 m.

Bao quanh khu vực lòng chảo này là các đỉnh núi với độ cao khoảng 1.700 m tạo thành vành đai che chắn gió cho vùng trung tâm. Phía Đông Bắc có hai núi thấp: hòn Ông (Láp Bê Bắc 1.738 m) và hòn Bộ (Láp Bê Nam 1.709 m). Ở phía Bắc, ngự trị cao nguyên Lang Biang là dãy núi Bà (Lang Biang) hùng vĩ, cao 2.169 m, kéo dài theo trục Đông Bắc – Tây Nam từ suối Đa Sar (đổ vào Đa Nhim) đến Đa Me (đổ vào Đạ Đờng). Phía Đông án ngữ bởi dãy núi đỉnh Gió Hú (1.644 m). Về phía Tây Nam, các dãy núi hướng vào Tà Nung giữa dãy Yàng Sơreng mà các đỉnh cao tiêu biểu là Pin Hatt (1.691 m) và You Lou Rouet (1.632 m).

Bên ngoài cao nguyên là các dốc núi từ hơn 1.700 m đột ngột đổ xuống các cao nguyên bên dưới có độ cao từ 700 m đến 900 m.

Khí hậu: Do ảnh hưởng của độ cao và rừng thông bao bọc, Đà Lạt mang nhiều đặc tính của miền ôn đới. Nhiệt độ trung bình 18–21°C, nhiệt độ cao nhất chưa bao giờ quá 30°C và thấp nhất không dưới 5°C.

Đà Lạt có hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4. Đà Lạt không bao giờ có bão, chỉ có gió lớn do ảnh hưởng bão từ biển thổi vào vì sườn đông không có núi che chắn.

Lịch sử

Cao nguyên Lang Biang trước năm 1893 là địa bàn cư trú của các tộc người Thượng. Người Việt đầu tiên có ý định khám phá vùng rừng núi Nam Trung Bộ là Nguyễn Thông, nhưng do nhiều lí do nên cho tới cuối đời ông vẫn không thực hiện được ý định của mình. Vào hai năm 1880 và 1881, bác sĩ hải quân Paul Néis và trung úy Albert Septans có những chuyến thám hiểm đầu tiên vào vùng người Thượng ở Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, và họ được coi là hai nhà thám hiểm đầu tiên đã tìm ra cao nguyên Lang Biang. Hành trình của Paul Néis và Albert Septans mở đường cho nhiều chuyến đi khác như A. Gautier (năm 1882), L. Nouet (1882), thiếu tá Humann (1884).

Ngày 3 tháng 8 năm 1891, bác sĩ Alexandre Yersin thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên với ý định tìm đường núi từ Nha Trang vào Sài Gòn, nhưng chuyến đi này bất thành. Từ 28 tháng 3 đến 9 tháng 6 năm 1892, Yersin thực hiện một cuộc thám hiểm từ Nha Trang, băng qua vùng cao nguyên Đắk Lắk để đến Stung Treng, nằm bên bờ sông Mê Công (thuộc địa phận Campuchia).

Tháng 1 1893, Yersin nhận nhiệm vụ từ toàn quyền Jean Marie Antoine de Lanessan, khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn xuyên sâu vào vùng người Thượng và kết thúc ở một địa điểm thuận lợi trên bờ biển Trung Kỳ. Yersin còn phải tìm hiểu về tài nguyên trong vùng: lâm sản, khoáng sản, khả năng chăn nuôi… Từ ngày 8 tháng 4 đến ngày 26 tháng 6 năm 1893, Yersin đã thực hiện ba chuyến đi quan trọng. Và 15h30 ngày 21 tháng 6, Yersin đã phát hiện ra cao nguyên Lang Biang, trong nhật ký hành trình, ông ghi vắn tắt “3h30: grand plateau dénudé mamelonné” (3h30: cao nguyên lớn trơ trụi, gò đồi nhấp nhô).

Với nhu cầu tìm một vùng đất có khí hậu ôn hòa, gần giống với châu u để xây dựng khu nghỉ mát, trạm điều dưỡng, toàn quyền Paul Doumer viết một bức thư hỏi ý kiến của Yersin, và Yersin đã trả lời là cao nguyên Lang Biang. Tháng 3 năm 1899, Yersin cùng toàn quyền Doumer thực hiện một chuyến đi lên cao nguyên Lang Biang và chuyến đi này có ý nghĩa quyết định về việc thành lập một trạm điều dưỡng ở đây.

Ngày 1 tháng 11 năm 1899, Doumer ký nghị định thành lập ở Trung Kỳ tỉnh Đồng Nai Thượng (Haut-Donnai) và hai trạm hành chính được thiết lập tại Tánh Linh và trên cao nguyên Lang Biang. Đó có thể được xem là văn kiện chính thức thành lập trạm điều dưỡng trên cao nguyên Lang Biang – tiền thân của thành phố Đà Lạt sau này.

Ngày 20 tháng 4 năm 1916, vua Duy Tân đã ra đạo dụ thành lập thị tứ, tức thị xã (centre urbain) Đà Lạt, tỉnh lị tỉnh Lâm Viên. Đạo dụ này được Khâm sứ J.E. Charles chuẩn y ngày 30 tháng 5 năm 1916.

Trong hai thập niên 1900 và 1910, người Pháp đã xây dựng hai tuyến đường từ Sài Gòn và từ Phan Thiết lên Đà Lạt. Hệ thống giao thông thuận lợi giúp Đà Lạt phát triển nhanh chóng. Vào năm 1893, vùng Đà Lạt ngày nay hầu như hoang vắng. Đến đầu năm 1916, Đà Lạt vẫn còn là một khu thị tứ nhỏ với độ 8 căn nhà gỗ tập trung hai bên bờ dòng Cam Ly, chỉ có 9 phòng khách sạn phục vụ du khách, đến cuối năm này mới nâng lên được 26 phòng. Cuối năm 1923, đồ án thiết kế đầu tiên hoàn thành, Đà Lạt đã có 1.500 dân.

Ngày 31 tháng 10 năm 1920, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y đạo dụ ngày 11 tháng 10 cùng năm của vua Khải Định về việc thành lập thành phố (commune- thành phố loại 2) Đà Lạt cùng với việc tỉnh Đồng Nai Thượng được tái lập. Nhằm biến Đà Lạt thành một trung tâm nghỉ mát ở Đông Dương, Nha giám đốc các sở nghỉ mát Lâm Viên và du lịch Nam Trung Kỳ được thành lập. Đứng đầu thành phố là một viên Đốc lý, đại diện của Toàn quyền Đông Dương. Năm 1928 chuyển tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai Thượng về Đà Lạt. Năm 1936 một Hội đồng thành phố được bầu ra. Năm 1941, Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ tỉnh Lâm Viên (Lang Bian) mới tái lập. Thị trưởng Đà Lạt kiêm chức Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Viên.

Trong thời gian Thế chiến thứ hai, những người Pháp không thể về chính quốc nên họ tập trung lên nghỉ ở Đà Lạt. Nhiều nhu cầu rau ăn, hoa quả của người Pháp cũng được Đà Lạt cung cấp.

Ngày 10 tháng 11 năm 1950, Bảo Đại ký Dụ số 4-QT/TD ấn định địa giới thị xã Đà Lạt.

Theo Địa phương chí Đà Lạt (Monographie de Dalat), năm 1953, thị xã Đà Lạt là thủ phủ của Hoàng triều Cương thổ, có diện tích là 67 km², dân số: 25.041 người.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, dân số Đà Lạt tăng nhanh bởi lượng người di cư từ Bắc vào Nam. Dưới chính quyền miền Nam, Đà Lạt được phát triển như một trung tâm giáo dục và khoa học.

Năm 1957, Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ tỉnh Tuyên Đức. Thị xã Đà Lạt có 10 khu phố.

Nhiều trường học và trung tâm nghiên cứu được thành lập: Viện Đại học Đà Lạt (1957), Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt (1959), Thư viện Đà Lạt (1960), trường Đại học Chiến tranh Chính trị (1966), trường Chỉ huy và Tham mưu (1967)… Các công trình phục vụ du lịch được tiếp tục xây dựng và sửa chữa, hàng loạt biệt thự do các quan chức Sài Gòn, nhiều chùa chiền, nhà thờ, tu viện được xây dựng… Đà Lạt cũng là một điểm hấp dẫn với giới văn nghệ sĩ.

Sau 1975, với sự rút đi của quân đội và bộ máy chính quyền miền Nam, nhưng được bổ sung bởi lượng cán bộ và quận đội miền Bắc, dân số Đà Lạt ổn định ở con số khoảng 86 ngàn người. Du lịch Đà Lạt hầu như bị lãng quên. Những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, hàng loạt khách sạn, nhà hàng được sửa chữa, nhiều biệt thự được đưa vào phục vụ du lịch… Đà Lạt trở thành một thành phố du lịch quan trọng của Việt Nam với nhiều lễ hội được tổ chức.

Cuối năm 1975 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định Đà Lạt sẽ trở thành 1 trong 4 thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng ngay sau đó đã điều chỉnh lại. Tháng 2 năm 1976 Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Nghị định hợp nhất tỉnh Tuyên Đức, tỉnh Lâm Đồng và thị xã Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng. Thị xã Đà Lạt trở thành thành phố tỉnh lỵ tỉnh Lâm Đồng.

Văn hóa

Tuy là một thành phố trẻ nhưng bề dày văn hoá ở đây cũng rất được chú ý về sự phong phú, đa dạng, vừa mang tính truyền thống và hiện đại.

Văn hoá của dân tộc Cơ Ho bản địa, văn hoá của các cộng đồng dân cư ở châu thổ sông Hồng, vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Nam – Ngãi – Bình – Phú, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và sự giao lưu văn hoá thế giới đã tạo nên những nét đặc trưng trong phong cách người Đà Lạt: hiền hòa, thanh lịch và mến khách.

Đà Lạt có nhiều công trình xây dựng đặc sắc, phần nhiều mang đặc trưng của kiến trúc kiểu Pháp. Trong thời gian vừa qua toàn cảnh kiến trúc đô thị của thành phố Đà Lạt đã bị phá vỡ vì xây dựng thiếu quy hoạch đồng bộ, lấn chiếm làm nhà ở và cơi nới, xây cất vô lối ngay trong biệt thự. Nếu so với nhiều thành phố khác trong cả nước, Đà Lạt vẫn là một thành phố trẻ, nhưng đó lại là một thành phố có đồ án thiết kế theo kiểu cách phương Tây.

Đà Lạt trước kia là một thành phố do người Pháp xây dựng cho người Pháp, và các đồ án thiết kế đều phải do Phủ toàn quyền quyết định, các kỹ sư, kiến trúc sư, các đoàn lên Đà Lạt nghiên cứu về việc chỉnh trang, xây dựng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng và nhất thiết phải có trình độ chuyên môn giỏi.

Ga Đà Lạt cho đến nay là ga duy nhất của Việt Nam được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Nhà ga được kiến trúc sư người Pháp Moncet cùng với đồng nghiệp là Revenron thiết kế và lãnh đạo thi công. Công trình khởi công năm 1932 đến năm 1936 thì hoàn thành. Các kiến trúc sư đã thể hiện hình tượng dãy núi Langbian qua 3 vòm mái của nhà ga.

Tuyến đường sắt từ Đà Lạt đi Tháp Chàm (Phan Rang) đã là tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Rất tiếc là hệ thống răng cưa này đã bị tháo dỡ bán sắt vụn gần hết sau năm 1975. Cây cầu sắt dành cho tuyến tàu hỏa bắt qua sông Đa Nhim tại địa phận thị xã Dran cũng đã được chính quyền địa phương quyết định tháo dỡ vào năm 2004. Ga Đà Lạt hiện nay chỉ còn một chiếc đầu máy xe hỏa hơi nước chạy bằng than củi, 2 chiếc khác đã được Bảo tàng Xe lửa Thụy Sĩ mua lại. Ga Đà Lạt hiện nay là điểm tham quan du lịch, hằng ngày có các chuyến tàu chở du khách đi từ ga đến Trại Mát.

Con người

Đà Lạt là một vùng không gian xanh. Đồi thông, bãi cỏ, da trời, màu nước… tất cả một màu xanh. Màu xanh mang đến cho con người sức sống, niềm tin yêu, hy vọng. Màu xanh làm cho con người có cảm giác yên lành, bình thản.

Khí hậu mát mẻ còn ảnh hưởng đến thể chất con người. Khí hậu Đà Lạt thuận lợi cho thiếu nữ và trẻ em nên họ có dáng dấp chắn chắn, khỏe mạnh, đôi má ửng hồng, nhất là những ngày sương giá giữa mùa hoa mai anh đào. Cái đẹp người thiếu nữ Đà Lạt là các đẹp khỏe mạnh, tinh khiết, không son phấn màu mè, nét đẹp trầm trầm, kín đáo, e thẹn nhưng rất tự tin.

Sự hiền hòa, thân thiện trong con người Đà Lạt góp phần thu hút khách du lịch

Sống trong một khung cảnh thiên nhiên quanh năm tĩnh lặng, khí hậu mát lạnh, những biến động lớn về cuộc chiến hầu như chỉ là tiếng vọng, không ảnh hưởng trực tiếp và làm xáo động đời sống vốn rất êm đềm của một vùng cao nguyên hẻo lánh, người Đà Lạt hiền lành, thật thà, sớm thích nghi để hòa nhập vào môi trường sống. Từ những ngôi nhà với vườn rau xanh ngát đến những con đường quanh co ẩn khuất sau đồi núi, những ngôi biệt thự xinh xắn nằm dấu mình dưới những rặng thông, vẻ đẹp tự nhiên của hồ Xuân Hương nằm ngay giữa trung tâm thành phố… tất cả đều thể hiện nét hài hòa giữa con người chân chất với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Nếu thiên nhiên Đà Lạt đã “cho người này niềm vui, người kia sự mát lành” (Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem) thì thiên nhiên ấy đã đóng góp tạo nên nét đẹp hiền hòa của con người.

Con người Đà Lạt vốn thanh lịch làm tô thêm vẻ đẹp của một thành phố – Thành phố du lịch!

Người Đà Lạt vừa chịu ảnh hưởng sâu đậm bản sắc văn hóa và đời sống tinh thần phương Đông lại sớm tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của nền văn minh hiện đại phương Tây. Việc xử lý hài hòa các yếu tố văn hóa truyền thống và văn minh hiện đại đã hiện diện trong phong cách của người dân Đà Lạt. Từ đó phát triển những thú tiêu khiển tinh thần thanh cao như thú trồng hoa, chơi cây cảnh, chơi lan… rất phong phú và đa dạng.

Trong những năm 60, Đà Lạt từng là một trung tâm giao lưu nghệ thuật quan trọng. Nó đã từng chứng kiến cuộc sống ẩn dật, vui thú điền viên của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ về đây tìm sự yên ổn của tâm hồn và cảm hứng sáng tạo.

Bến xe và nơi họp chợ là hai điểm nóng phản ánh tập trung và cao độ nhất phong cách sống của cư dân một địa phương. Tuy còn nhiều điều phải bàn thêm về đặc điểm và cách thức sinh hoạt, phục vụ của hai điểm nóng đó, nhưng ai cũng thừa nhận rằng bến xe Đà Lạt yên tĩnh, trật tự, tiểu thương chợ Đà Lạt luôn luôn có thái độ nhã nhặn, vui vẻ với khách hàng.

Cởi mở và mến khách là một điều rất đáng quý của người Đà Lạt

Đà Lạt là một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, các nghề dịch vụ lại có nguồn sống từ khách, nên mến kháchkhông còn là một tình cảm mà trở thành lẽ sống. Nét đẹp này rất dễ thấy ở các chị bán hàng chào mời niềm nở, nhẹ nhàng, tôn trọng khách, không có ngôn ngữ thách đố. Những người phục vụ như xe thồ, khuân vác, nhân viên nhà trọ… không có thái độ bắt chẹt, thóa mạ khách hàng. Những người dân Đà Lạt có cái nhìn thiện cảm, không xoi mói, ganh tị và sẵn sàng giúp đỡ, chỉ dẫn khi có người hỏi đến.

Rời quê hương bản quán lên sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất sơn nguyên hoang vu, đồi núi điệp trùng cách đây hơn nửa thế kỷ, những cư dân Đà Lạt đầu tiên hơn ai hết mong muốn tiếp nhận thêm nhiều đồng bào của mình từ mọi miền đất nước đến vùng đất lành này sống quần cư, tạo ấp, lập làng ngày càng đông vui, xóa dần nỗi buồn xa xứ, phát huy sức mạnh cộng đồng để khai phá đất hoang, làm chủ thiên nhiên. Đây là tiền đề và cơ sở quan trọng để tạo nên tình đoàn kết giữa những nhóm cư dân từ nhiều miền khác nhau về đây cùng sinh sống, giải thích vì sao người Đà Lạt tuy có nhiều gốc gác khác nhau, phong tục tập quán và tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau… mà vẫn không hề có định kiến, phân biệt đối xử, vẫn sống đoàn kết, gắn bó với nhau trong tình quê hương, nghĩa đồng bào…

0 bình luận

    Cần tìm khách sạn giá tốt

    0963 266 688

    Hoặc để lại thông tin
    Vntrip sẽ gọi lại cho bạn

    Một số cẩm nang khác, bạn muốn biết?

    Xem tất cả

    Các khách sạn phù hợp với bạn! Đừng bỏ lỡ