- Tin tức > Du lịch > Miền Nam > Bình Thuận > Phan Thiết >
Thông tin địa phương
Nội dung chính
Vị trí địa lý
Thành phố Phan Thiết hình cánh cung trải dài từ: 10°42’10” đến 11° vĩ độ bắc.
Phía đông giáp biển Đông; Phía tây giáp huyện Hàm Thuận Nam – tỉnh Bình Thuận; Phía nam giáp biển Đông và huyện Hàm Thuận Nam – tỉnh Bình Thuận; Phía bắc giáp huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Bắc Bình – tỉnh Bình Thuận.
Giữa trung tâm thành phố có sông Cà Ty chảy ngang, chia Phan Thiết thành 2 ngạn:
– Phía nam sông: khu thương mại, điển hình là Chợ Phan Thiết.
- Phía bắc sông: gồm các cơ quan hành chính và quân sự trung tâm mới của Phan Thiết đang được xây dựng tại khu vực phường Phú Thủy và Xuân An trên một diện tích 300ha gồm các tòa cao ốc hành chính mới, liên hợp trung tâm thương mại, nhà thi đấu mới Tỉnh Bình Thuận, khu dân cư mới sức chứa 50,000 người cùng nhiều công viên, các khu dịch vụ và trường học.
Phan Thiết có địa hình tương đối bằng phẳng, có cồn cát, bãi cát ven biển, đồi cát thấp, đồng bằng hẹp ven sông. Có 3 dạng chính:
Vùng đồng bằng ven sông Cà Ty.
Vùng cồn cát, bãi cát ven biển. Có địa hình tương đối cao.
Vùng đất mặn: ở Thanh Hải, Phú Thủy, Phú Trinh và Phong Nẫm.
Lịch Sử
Vùng đất này khi xưa thuộc vương quốc Chămpa, sau này sáp nhập vào Đại Việt. Hành chính được xác lập cùng thời gian hình thành tỉnh Bình Thuận ngày nay, nhưng khi ấy nó chưa được xác định địa giới và cấp hành chính gì.
Năm 1697, Bình Thuận lần lượt được đổi từ một trấn lên thành phủ, rồi lên thành dinh, thì Phan Thiết chính thức được công nhận là một đạo(cùng một lượt với các đạo Phan Rang, Phố Hài, Ma Ly vùng Tam Tân). Tuy nhiên, đạo Phan Thiết lập ra nhưng chẳng có văn bản nào chỉ rõ phạm vi lãnh thổ.
Từ năm 1773 đến năm 1801, nơi đây thường diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa các lực lượng quân nhà Nguyễn và quân nhà Tây Sơn.
Năm 1825, thời Minh Mạng, khi Bình Thuận chính thức trở thành tỉnh, đạo Phan Thiết bị cắt một phần đất nhập vào một huyện thuộc Hàm Thuận (năm 1854, thời Tự Đức, huyện này được đặt tên là huyện Tuy Lý).
1835, tuần vũ Dương Văn Phong thỉnh cầu vua Minh Mạng chuyển tỉnh lỵ của Bình Thuận ở gần Phan Rí (huyện Hoà Đa) lập từ thời Gia Longvề đóng ở vùng Phú Tài – Đại Nẫm, huyện Hàm Thuận nhưng vua chưa đồng ý.
Năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17), Thị Lang Bộ Hộ là Đào Tri Phủđược cử làm việc đo đạc, lập địa bạ trong số trên 307 xã, thôn thuộc hai phủ, bốn huyện và mười lăm tổng của tỉnh Bình Thuận để chuẩn định và tiến hành đánh thuế. Đo đạc xong ước định vùng Phan Thiết (thuộc tổng Đức Thắng) có chín địa danh trực thuộc. Bên hữu ngạn sông (sông Cà Ty ngày nay) là các xã Đức Thắng, Nhuận Đức, Lạc Đạo và các thôn Thành Đức, Tú Long. Bên tả ngạn là xã Trinh Tường và các thôn Long Khê, Long Bình, Minh Long.
Qua nhiều lần thay đổi các đơn vị hành chính, một số thôn nhỏ sáp nhập thành làng lớn, một số địa danh cũ biến mất như Minh Long, Long Bình (thuộc phường Bình Hưng ngày nay), Long Khê (thuộc phường Phú Trinh ngày nay). Một số thôn, xã khác của tổng Đức Thắng như Phú Tài, Phú Hội, Xuân Phong, Đại Nẫm được xem là ngoại vi của Phan Thiết. Một số địa danh thuộc khu vực Phố Hài (phường Phú Hài ngày nay) như Tân Phú, An Hải, An Hoà, Tú Lâm, Sơn Thủy, Thiện Chính, Ngọc Lâm… thuộc về tổng Hoa An (sau đổi lại là tổng Lại An) của huyện Tuy Định. Một số thôn, xã dọc bờ biển như Khánh Thiện, Thạch Long, Long Sơn (thuộc khu vực Rạng – Mũi Né ngày nay) thuộc tổng Vĩnh An của huyện Hòa Đa.
Gần cuối thế kỷ 19, Phan Thiết vẫn chưa được công nhận chính thức là một đơn vị hành chính (cấp dưới) trực thuộc tỉnh Bình Thuận.
Năm 1898 (năm Thành Thái thứ muời), tỉnh lỵ Bình Thuận được dời về đặt tại làng Phú Tài ở ngoại vi Phan Thiết. Ngày 20 tháng 10 cùng năm, vua Thành Thái ra đạo dụ xác lập thị xã (centre urban) Phan Thiết, tỉnh lỵ của Bình Thuận (cùng ngày thành lập các thị xãHuế, Hội An, Quy Nhơn, Thanh Hoá, Vinh).
Năm 1905, thị xã Phan Thiết cũng vẫn chưa xác định rõ ranh giới. Tòa sứ Bình Thuận (bộ máy thống trị của Pháp) do một công sứ (résident) đứng đầu đặt thường trực tại Phan Thiết.
Ngày 4 tháng 11 năm 1910, viên toàn quyền Đông Dương A.Klobukowski ra quyết định về Phan Thiết. Lúc này Phan Thiết chính thức bao gồm 16 làng xã. Bên hữu ngạn sông: Đức Thắng, Thành Đức, Nhuận Đức, Nam Nghĩa, Lạc Đạo, Tú Long; bên tả ngạn sông: Long Khê, Phú Trinh, Trinh Tường, Đảng Bình, Quảng Bình, Thiện Mỹ, Thiện Chánh, Xuân Hoà, An Hải, Sơn Thuỷ (năm làng sau trước đây là thuộc khu vực Phố Hài). Có thêm địa danh mới như Nam Nghĩa, Quảng Bình (dân Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Quảng Bình di cư vào Phan Thiết).
Ngày 6 tháng 1 năm 1918, Khâm Sứ Trung Kỳ Charles quyết định Phú Hài (tên gọi mới của Phố Hài) tách ra khỏi Phan Thiết để nhập về lại tổng Lại An của huyện Hàm Thuận. Pháp bắt đầu thiết lập bộ máy chính quyền ở Phan Thiết. Thị xã Phan Thiết liên tục làm tỉnh lỵ của tỉnh Bình Thuận từ đó.
Văn Hóa
Thành phố Phan Thiết có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử như: tháp nước Phan Thiết- biểu tượng của thành phố, Mũi Né, Hòn Rơm, bãi tắm Đồi Dương, đồi cát Mũi Né, tháp Chăm Po Sah Nư, trường Dục Thanh, lầu Ông Hoàng, Vạn Thủy Tú, chùa Liên Trì, hải đăng Khe Gà, chùa Ông (Quan Đế Miếu), chùa Bà Thiên Hậu, chùa Phật Quang, chùa núi Tà Cú…
Ngoài ra còn có lễ hội Katê của người Chăm, lễ hội Nghinh Ông của người Hoa, lễ hội đua thuyền truyền thống mừng xuân vào mùng 2 tết Nguyên Đán trên sông Cà Ty của người Kinh.
Đến với Phan Thiết du khách không nên bỏ qua thú vui đi dạo khu phố Tây, tham quan thành phố bằng xích lô du lịch, thưởng thức các đặc sản như mực một nắng ăn với nước mắm Phan Thiết, cá mú hấp, dông 7 món, bánh rế, bánh căn, gỏi cá (cá suốt, cá mai, cá đục), mỳ quảng Phan Thiết, bánh canh cá, cá bò hấp hoặc nướng…
Thông tin Mũi Né
Là một mũi biển – một trung tâm du lịch nổi tiếng ở Phan Thiết, nay là một phường thuộc thành phố Phan Thiết.
Cách trung tâm thành phố Phan Thiết 22 km về hướng Đông Bắc, Mũi Né được nối liền với thành phố biển này bởi con đường Nguyễn Đình Chiểu (đường 706) – được coi là tuyến trọng yếu cho ngành du lịch của Bình Thuận và đường 706B mới xây dựng.
Tên gọi Mũi Né xuất phát từ việc ngư dân đánh cá, mỗi khi đi biển gặp bão, thường đến đây nương náu. “Mũi” là cái mũi đất đưa ra biển; “Né” có nghĩa là để né tránh. Nơi đây có sự hài hòa giữa màu vàng của cát, màu óng của nắng và màu xanh thẳm của biển tạo cảm giác ấm áp và trong lành, thu hút rất nhiều du khách.
Tên gọi xuất phát từ công chúa Út của vua Chăm là công chúa Chuột – tương truyền vùng đất này của người Chăm, xưa kia lau sậy mọc um tùm. Công chúa Chăm năm 16 tuổi mắc bệnh nan y, về sau xây dựng miếu Am để tu tại Hòn Rơm. Từ đó lấy biệt danh là bà Nà Né – lâu dần người dân đọc trại chữ Nà Né thành Mũi Né. Né là tên của công chúa Út – Mũi là mũi đất đưa ra biển.
Nội dung chính
Cần tìm khách sạn giá tốt
0963 266 688
Hoặc để lại thông tin
Vntrip sẽ gọi lại cho bạn
0 bình luận