Đăng nhập

Quên mật khẩu

Đăng ký

Đăng ký mới tài khoản VNTRIP:

Quên mật khẩu

Nhập địa chỉ Email đã đăng ký tài khoản Vntrip, hệ thống sẽ gửi thông tin hướng dẫn bạn khôi phục lại mật khẩu.

Rượu nếp – linh hồn trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ

Rượu nếp – linh hồn trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ

Người ta không thể không ăn rượu nếp vào Tết Đoan Ngọ, như thể không ăn bánh chưng vào Tết Nguyên Đán hay bánh nướng bánh dẻo vào Tết Trung Thu vậy.

Lịch trăng của phương Đông rất coi trọng Tết mùng Năm (Tết Đoan Ngọ – ngày giết sâu bọ), một cái Tết đón chào mùa hạ – quãng thời gian sinh vật phát triển mạnh mẽ nhất trong năm theo tuần tự: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng. Với một nền văn minh nông nghiệp, sự sinh trưởng là yếu tố được người dân coi trọng nên khi Tết mùng Năm đến, người ta biến thành một dịp ăn uống tưng bừng, với các món ăn càng nóng, càng độc thì càng tốt.

Mâm cỗ giết sâu bọ theo truyền thống.

Tết giết sâu bọ có lẽ là cái tên Tết độc đáo nhất vì có chứa động từ chỉ hung sự là giết hoặc diệt. Nhưng kể cả thế, Tết mùng Năm vẫn là một dịp quan trọng để hiếu kính trời đất và tổ tiên, hiếu kính nền văn minh nông nghiệp dù chỉ còn là dấu vết và để sum họp gia đình. Sự hiếu kính đó được thể hiện qua mâm lễ thắp hương dào dạt phong vị của mùa hè. Mâm lễ của Tết mùng Năm không hoành tráng như Tết Nguyên Đán hay Tết Trung Thu, nhưng khá đặc biệt, là những món ngon từ trái cây thiên nhiên chín thơm đến các món nấu nướng, chế biến hấp dẫn.

Tết mùng Năm là một cái Tết có hoạt động ăn uống đình đám dù nó chỉ diễn ra trong một ngày, thậm chí chỉ là nửa ngày, bởi sau 13 giờ (giờ Ngọ) là cái Tết này kết thúc. Việc chuẩn bị các món ăn cho Tết mùng Năm cũng cầu kỳ, nhiêu khê và công phu.

Đó là bát rượu nếp làm từ thứ nếp vừa thu hoạch, đem lại hơi nóng của cánh đồng mùa hạn. Trái vải, trái mận vừa khiến “con tu hú gọi hè” cũng không thể vắng mặt. Bánh gio vẫn còn nguyên dấu vết của lửa rơm nếp cũng thiếu làm sao được. Những bông sen hồng thơm ngát cả mùa hè, những túp hoa cau hây hẩy… khiến cho mâm lễ trang trọng, tinh tế và tràn ngập mùi vị của mùa nóng.

Món ăn “signature” của Tết mùng Năm chính là rượu nếp, gồm rượu nếp trắng làm từ gạo nếp lứt và rượu nếp cẩm làm từ nếp cẩm. Nhưng dù là rượu nếp gì thì công thức cũng là đồ chín gạo nếp rồi trộn cùng men rượu giã mịn cùng đường kính, sau đó vào hũ, liễn để lên men 2-3 ngày là rượu chín.

Thứ rượu nếp này có vị ngọt của đường, có vị nồng của men rượu, là rượu đấy mà không phải rượu, ăn nhiều cũng không say mà chỉ lử lử, tê tê, khoái khoái, mặt mũi da thịt giần giật, hồng hào vì các huyết quản bị kích thích. Nồng độ cồn của nó thấp đến nỗi trẻ nhỏ mới biết nhai cũng có thể ăn vài… hột rượu.

Rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong ngày giết sâu bọ.

Hột cơm nếp được lên men trở nên cong mọng, óng ả, bóng bẩy. Bên trong hột rượu nếp đó chứa những dịch rượu ngọt ngào, đầy đê mê. Người ta ăn rượu nếp bằng bát chiết yêu men da lươn hay hoa xanh, với lòng bát trắng muốt để làm tôn cái vẻ đẹp óng mọng của hạt rượu nếp.

Khi ăn, người ta không dùng thìa để xúc hay đũa để lùa, mà sử dụng một đôi đũa ngắn khoảng gang tay, hình dáng bẹt như que kem để gẩy gót hay xêu một vài hạt rượu lên miệng. Ăn như thế mới nhẩn nha, mới nghiền ngẫm được cái ngon, cái bùi, cái ngọt, cái say lâng lâng của rượu nếp, thứ nông sản vừa thu hoạch sau vụ xuân hè để đánh dấu rằng năm nay đã trôi qua được một nửa.

Người ta có thể không ăn gì cũng được nhưng không thể không ăn rượu nếp vào Tết mùng Năm, như thể không ăn bánh chưng vào ngày Tết Nguyên Đán, không ăn bánh dẻo vào Tết Trung Thu vậy. Trong ngày Tết giết sâu bọ của người Việt, rượu nếp chính là linh hồn.

Ngay từ khi tinh mơ thức dậy vào ngày mùng Năm, người ta đã tới tấp ăn rượu nếp mà không cần ăn sáng. Đến khi người nóng phừng phừng, da mặt giần giật thì chuyển sang ăn các thứ quà khác như vải, mận, đào, lựu, dưa hấu, quất hồng bì, dâu da đất… Đấy tinh là những thứ hoa trái mùa hè rất có sẵn nhưng có chung một đặc điểm đều là trái cây nóng.

Ăn rượu nếp vào để con sâu, con trùng, con giun… trong cơ thể nó say mềm đi, rồi lại tống các thứ trái cây làm vào làm thuốc, để lấy vị ngọt, vị chát, vị chua làm vũ khí giết nó chết hẳn, tống ra ngoài cơ thể. Bình thường, trẻ nhỏ chỉ cần ăn chục quả mận là đã bị bắt dừng lại vì ăn nhiều tổ nóng, sinh mụn nhiệt, rôm sảy. Nhưng hôm nay, cứ ăn thoả thuê đi.

Sau đó các món cũng nóng chẳng kém như bánh gio/tro chấm mật, bánh khảo, kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam, càng nhiều đường, càng ngọt, càng khiến cơ thể phát nóng càng tốt. Nhưng tất cả mới chỉ dọn đường cho những món siêu nóng như lòng lợn tiết canh, vịt luộc chấm mắm gừng, ngan nướng chả, chân giò nấu giả cầy hay một mâm thịt chó ê hề gừng, riềng, sả ớt… Để dẫn cho các món nóng là chính là chai quốc lủi nút lá chuối trong vắt như mắt mèo.

Có thể các chuyên gia dinh dưỡng sẽ lên án chế độ ăn uống được áp dụng trong ngày Tết mùng Năm bởi nó nhiều đạm, nhiều đường, nhiều chất gây nóng. Thế nhưng, những thứ đó đã được quan sát và áp dụng cả vài trăm năm nay. Họ nhìn thấy một ngày Hạ chí nóng nhất trong năm. Và họ muốn tiểu vũ trụ bên trong cơ thể cũng phải “nóng nhất” cho dù trong một ngày để giao hoà, tương ứng nhằm diệt được các thứ “ôn hoàng dịch bệnh” nảy nở vào mùa hạ.

Chính những quan niệm đó đã làm nên một cái nét rất riêng của Tết mùng Năm của người Việt.

Anmustang (Từ Vnexpress)
Ảnh: Chi Đoàn

0 bình luận

    Cần tìm khách sạn giá tốt

    0963 266 688

    Hoặc để lại thông tin
    Vntrip sẽ gọi lại cho bạn

    Các khách sạn phù hợp với bạn! Đừng bỏ lỡ