- Tin tức > Du lịch > Miền Trung > Huế >
Nội dung chính
Huế từ lâu đã nổi tiếng bởi nét trầm mặc, nhẹ nhàng và đằm thắm của sông Hương, núi Ngự, của những lăng tẩm và đền đài. Tuy nhiên, giữa mảnh đất thơ mộng ấy lại có khá nhiều điểm đến gây tò mò trong giới phượt thủ. Nếu bạn đang muốn du lịch cố đô theo một cách mới lạ và thú vị nhất, hãy cùng tham khảo những điểm đến dưới đây nhé.
1. Nên đi phượt Huế vào thời gian nào?
Huế thuộc kiểu khí hậu nhiệt đợi gió mùa, song mang tính chất chuyển tiếp, từ á xích đới lên nội chí tiết gió mùa. Vì thế, Huế sẽ không có đủ 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, mà chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô.
Mùa mưa kéo dài từ tháng 10 cho đến tháng 3 năm sau, do chịu ảnh hưởng của gió mùa đông Bắc tràn về nên nhiệt độ hạ xuống thấp, dao động từ 20-22 độ C, đặc biệt có những thời điểm rét mướt xuống dưới 15 độ C, rất lạnh. Riêng tháng 11 sẽ là tháng thường gặp mưa bão ở Huế. Mùa khô thì thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9 với nhiệt độ trung bình dao động trong khoảng 35 – 40 độ C, trời nắng nóng và cực kì oi bức nên rất thích hợp cho “team yêu biển”.
Mùa khô là thời điểm thuận lợi để bạn phượt Huế bằng xe máy. Hình: Chu Hải Yến
Nếu so sánh về hai kiểu thời tiết thì hiển nhiên mùa khô sẽ rất thuận lợi để đi phượt Huế . Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4, tháng 9 đến tháng 10 được xem là thời điểm đẹp nhất đi du lịch Huế, lúc này trời ít mưa, thời tiết không quá lạnh như mùa mưa và không quá nóng như mùa khô.
2. Những địa điểm phượt ở Huế
2.1. Đèo Hải Vân
Đèo Hải Vân cách thành phố Huế khoảng 80km, cao trên 500 mét so với mực nước biển dài 20km cắt ngang Huế và Đà Nẵng. Đây được xem là một trong những cung đèo đẹp nhất Việt Nam, trở thành nỗi khao khát của rất nhiều phượt thủ muốn chinh phục một lần trong đời.
Đèo Hải Vân là nỗi khao khát của rất nhiều phượt thủ. Hình: Chu Hải Yến
Sở dĩ có nhiều phượt thủ mong muốn thử thách con đèo này bởi nó mang lại nhiều cảm giác. Cung đường đèo Hải Vân vô cùng chênh vênh, nhiều khúc khuỷu, chạy uốn lượn ôm theo triền núi, nổi bật giữa bạt ngàn núi non hùng vĩ. Đứng trên đèo Hải Vân phóng tầm mắt ra xa, một bên là núi cao chót vót, một bên là biển xanh dài rộng mênh mông, tất cả tạo nên bức tranh thiên nhiên tráng lệ chắc chắn sẽ làm bạn choáng ngợp.
Khung cảnh choáng ngợp trên đèo Hải Vân. Hình: @jandre.meiring
Một trong những điểm dừng chân trên cung đèo này chính là Hải Vân Quan. Không chỉ có cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi đây còn mang vẻ đẹp uy nghi, trầm mặc, in đậm dấu ấn lịch sử. Từ đỉnh đèo nhìn về phía nam, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng lung linh sắc màu, hay vẻ đẹp của bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm. Còn ở hướng bắc, bạn sẽ được chiêm ngưỡng đầm Lập An và Vịnh Lăng Cô vô cùng bình yên.
Hòn đá Cụ Rùa trên đèo Hải Vân. Hình: @nguyenn.anhtuan
2.2. Đầm Lập An
Đầm Lập An cách trung tâm thành phố Huế khoảng 60km, nằm nép mình dưới chân đèo Phú Gia, gần quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.
Đầm Lập An. Hình: @tyxsomewhere
Đầm Lập An sở hữu nét đẹp đơn sơ, mộc mạc của thiên nhiên, được bao bọc một bên bởi dãy núi Bạch Mã hùng vĩ, một bên là biển Lăng Cô sóng nước xanh như ngọc. Nếu ghé đến Đầm Lập An vào sáng sớm, bạn có thể ngắm nhìn những tia nắng nhẹ nhàng ló dạng phía sau dãy Bạch Mã đẹp đến say lòng. Đến buổi trưa, nắng chiếu rực cả một vùng, mặt nước trong đầm lóng lánh những tia nắng và in bóng những con thuyền nằm lặng yên. Khi trời trở về chiều, mặt trời đỏ rực khuất sau dãy núi Bạch Mã, in lên mặt nước hồ một màu vàng cam vô cùng huyền ảo.
Vẻ đẹp huyền ảo của đầm Lập An. Hình: @hoanglinhha
Khi thủy triều dâng, người dân trong vùng bắt đầu cuộc sống mưu sinh, thuyền bè rẽ nước tạo nên một cảnh tượng tuyệt đẹp giao hòa giữa con người và thiên nhiên. Lúc nước rút cũng là khi những con đường cát trắng hiện lên giữa đầm, tạo nên một cung đường “rẽ nước làm đôi” với hai bên là nước xanh biếc, xung quanh là núi non hùng vĩ.
Con đường rẽ nước ở đầm Lập An. Hình: @sim.mitto
2.3. Phá Tam Giang
Phá Tam Giang là một hệ thống đầm phá của Thừa Thiên Huế với diện tích rộng khoảng 52 km, nằm cách thành phố trung tâm Huế khoảng 15 km về phía Nam. Nơi đây hội tụ của ba con sông lớn là sông Ô Lâu, sông Hương, và sông Bồ trước khi đổ ra biển qua cửa Thuận An.
Bình minh trên phá Tam Giang. Hình: Sưu tầm
Nếu có dịp đến phá Tam Giang, bạn sẽ trầm trồ trước sự rộng lớn của đất trời nơi đây, xứng danh là một trong những con phá lớn nhất Đông Nam Á. Bất cứ thời khắc nào khi bạn bước chân đến nơi đây, cảnh sắc lẫn con người đều dễ dàng làm bạn xao xuyến và bâng khuâng. Nếu buổi sáng bình minh lên rực rỡ soi ánh xuống mặt nước lóng lánh thì chiều tà là lúc phá Tam Giang mang đậm nét hồn quê Việt Nam, khi tiết trời chuyển dần sang gam tím xám và những con thuyền ngoài đầm về lần lượt cập bến sau một ngày làm việc vất vả trên sông nước mênh mông.
Một góc của phá Tam Giang. Hình: @murilo_andes
Ngoài ra, phượt Phá Tam Giang, đừng quên dành thời gian khám phá rừng ngập mặn Rú Chá; ghé thăm làng chài Thái Dương Hạ bình dị, mộc mạc; hay trải nghiệm chợ nổi mua bán các loại thủy sản; và đặc biệt là thưởng thức hải sản tươi sống.
Rừng ngập mặn Rú Chá. Hình: @soaipham
2.4. Vườn quốc gia Bạch Mã
Vườn Quốc Gia Bạch Mã nằm trên địa phận 2 tỉnh Phú Lộc và Nam Đông, cách trung tâm thành phố Huế khoảng hơn 40km. Đây là một trong 30 khu bảo tồn động – thực vật đã được xếp hạng cấp Quốc gia, có độ cao khoảng 1450m so với mặt nước biển cùng hệ sinh thái và động thực vật vô cùng đa dạng.
Vườn quốc gia Bạch Mã. Hình: Hue, truly Vietnam
Có hai cách để chinh phục đỉnh của vườn quốc gia Bạch Mã. Nếu bạn có đủ thời gian và sức khỏe, hãy chọn trekking. Thời gian trekking, đi bộ xuyên rừng có thể kéo dài trong một ngày với quãng đường 19km, bạn nên chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, nước uống, những đồ dùng cần thiết và cả tâm thế thoải mái nhất nhé. Hoặc có thể lựa chọn xe jeep 12 chỗ để di chuyển lên đỉnh. Một chuyến 900.000 vnd/ khứ hồi, nếu bạn đi đông thì tiết kiệm, còn nếu đi ít thì sắp xếp đến Bạch Mã sớm để đợi ghép khách với các đoàn khác, tiết kiệm chi phí.
Khung cảnh hùng vĩ ở Bạch Mã. Hình: @thiennguyen1012
Ngay từ những bước chân đầu tiên vào Bạch Mã, bạn sẽ cảm nhận được một luồng không khí mát lạnh lan tỏa khắp mọi nơi. Đây là ngôi nhà chung của hơn 55 loài thú quý và hơn 500 loài thực vật, trong đó có nhiều loài cây quý hiếm như cẩm lai, trắc trầm hương, cốm Bạch Mã. Dọc theo những con lối nhỏ dẫn vào rừng sâu, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp rất nhiều các loài thú có hình dạng kỳ lạ như sao la, gà lôi lam, trĩ sao.
Trekking lên đỉnh Bạch Mã. Hình: Hue, truly Vietnam
2.5. A Lưới
Để đến được A Lưới, bạn sẽ phải vượt qua gần 70 km đường 49 nối liền từ Huế với huyện miền núi này, men theo những cung đèo uốn lượn. Dù là một trong những cung đường tuyệt đẹp của Huế, nhưng cũng vô cùng nguy hiểm, vì vậy, bạn cần phải di chuyển cẩn thận và có tay lái thật vững vàng để đảm bảo an toàn trong suốt hành trình nhé.
Cung đường đến A Lưới. Hình: Hue, truly Vietnam
Trong đó đèo A Co chính là thử thách đầu tiên với một bên A Co là vách núi, bên còn lại là vực thẳm heo hút cùng cây rừng chen chúc nối tiếp nhau. Đường qua đèo trắc trở là vậy nhưng bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng bởi cảnh sắc A Co dưới cái nắng vàng vọt ban mai hiện lên bức tranh thiên nhiên quyến rũ đầy màu sắc.
Đèo A Co. Hình: @ngominhtri
Hiện nay, ở A Lưới có 2 xã hoạt động và khai thác loại hình du lịch công cộng, trong đó nổi bật là xã A Roàng, với thôn Akachi. Nếu phượt đến đây, bạn sẽ được già làng đưa đi tham quan xung quanh bản làng, tìm hiểu đời sống đời thường của dân tộc Tà Ôi với nghề đan lát, dệt thổ cẩm, hoạt động làm nông…
Khu du lịch A Lưới. Hình: Hue, truly Vietnam
2.6. Hồ Sơn Thọ
Hồ Sơn Thọ thuộc địa phận của xã Hương Thọ- một xã miền núi ở đầu nguồn Sông Hương, nằm về phía Đông Nam của thị xã Hương Trà, cách thành phố Huế 12km. Đây là một trong những địa điểm được giới trẻ Huế vô cùng yêu thích, đặc biệt là vào mùa hè.
Hồ Sơn Thọ. Hình: Hoàn Nguyễn
Ngay từ những bước chân đến hồ Sơn Thọ, bạn chắc hẳn sẽ vô cùng thích thú khi mở ra trước mắt là một không gian xanh mát trải dài dường như bất tật. Đó là màu xanh của những vườn cây tít đằng xa khuất sau những rặng núi, màu xanh của những trảng cỏ non mướt mát và màu xanh của mặt nước hồ phẳng lặng. Vào những ngày trời có nắng, bạn sẽ thấy những đám mây trắng trên cao đang soi bóng giữa mặt hồ.
Hồ Sơn Thọ xanh ngát. Hình: Hằng Hà
Nếu có nhiều thời gian cho chuyến đi, bạn có thể trải nghiệm chèo SUP, cắm trại qua đêm hay tổ chức tiệc nướng BBQ bên bờ hồ. Không cần quá cầu kỳ, chỉ cần mang theo trái cây, bánh ngọt, nước uống, ít đồ nướng và lều trại là bạn đã có thể “bung lụa” cùng bạn bè rồi.
Trải nghiệm cắm trại. Hình: Hoàn Nguyễn
Chèo SUP giữa hồ Sơn Thọ. Hình: Hoàn Nguyễn
3. Lưu ý khi đi phượt Huế
- Nên theo dõi thời gian diễn ra các lễ hội ở Huế bởi vì những hoạt động này thường tổ chức vào lịch âm hằng năm, nên bạn cần đối chiếu với lịch dương để sắp xếp cho chuyến phượt của mình hợp lý nhất.
- Trước khi quyết định phượt Huế, bạn nên tìm hiểu một số từ ngữ địa phương để thuận tiện cho việc giao tiếp vì ngữ âm ở Huế khá khó nghe, đặc biệt là từ địa phương.
- Nếu du lịch Huế vào mùa khô thì thời tiết sẽ rất nóng, lưu ý chọn trang phục thoải mái, đơn giản, chuẩn bị thêm kem chống nắng, kính râm và nước suối.
- Những món ăn ở Huế thường rất cay nên bạn cần cân nhắc trước khi ăn hoặc dặn trước người bán hàng nhé.
- Bạn nên hỏi giá trước khi mua, ăn hay uống vì cũng tương tự như vài thành phố du lịch khác, dịch vụ ở Huế vẫn có chỗ “chém” khách du lịch đấy.
Giờ thì, chờ gì nữa mà không xách ba lô cùng chiếc xe máy của mình vi vu đến Huế để khám phá cho bằng hết những địa điểm trên thôi nào!
0 bình luận