Đăng nhập

Quên mật khẩu

Đăng ký

Đăng ký mới tài khoản VNTRIP:

Quên mật khẩu

Nhập địa chỉ Email đã đăng ký tài khoản Vntrip, hệ thống sẽ gửi thông tin hướng dẫn bạn khôi phục lại mật khẩu.

Ngành du lịch lo ngại ‘mùa vàng’ thất thu>

Ngành du lịch lo ngại ‘mùa vàng’ thất thu

Luyến Nguyễn Luyến Nguyễn 11/05/2021
354 lượt xem

Mùa hè – “mùa vàng” du lịch Việt, rất nhiều địa phương rộn ràng “trình làng” các tour độc đáo, thú vị hy vọng thu hút hàng triệu du khách sau đợt “mất mùa” dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Các hãng lữ hành, hãng hàng không, khách sạn, resort tung ra những chương trình khuyến mại cùng nhiều quà tặng dành cho du khách suốt mùa hè rực rỡ. Trước khi vào hè, các địa phương, hãng lữ hành hứng khởi khi các du khách đặt kín tour. Nhưng, Covid-19 lại trở lại lần thứ 4 vào cuối tháng 4/2021 khiến ngành “công nghiệp không khói” lại một lần nữa chao đảo, dự báo một mùa hè… thất thu.

Covid-19 “phá tan” các tour hè đầy sắc màu

Trước mùa hè, các địa phương rộn ràng tung ra các tour độc đáo. Hội An (Quảng Nam) làm mới mình qua các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn như chương trình trình diễn thời trang “Dáng phố”, trình diễn thực cảnh “Đêm trăng Hoài Giang”… Lào Cai (Sa Pa) triển khai kế hoạch kích cầu du lịch năm 2021 với chủ đề “Hương sắc Lào Cai”, Tổ chức trải nghiệm sản phẩm du lịch văn hóa “Tái hiện chợ tình Sa Pa”; Lễ hội hoa và trình diễn thổ cẩm; trải nghiệm con đường thổ cẩm Tây Bắc…; tổ chức Giải chạy “Băng qua vùng di sản” tại Sa Pa, Y Tý – Bát Xát, chạy trên tuyến trekking và thưởng thức vẻ đẹp của di tích danh lam thắng cảnh quốc gia ruộng bậc thang Sa Pa, băng qua rừng già Y Tý và di tích danh lam thắng cảnh quốc gia ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả; Lễ hội mùa tình yêu; “Sa Pa – xứ sở của tình yêu”, phiên chợ tình yêu, tìm nhau trong sương mây, cầu hôn vườn địa đàng, đại tiệc hạnh phúc…

Đà Nẵng với thông điệp “Đà Nẵng – xanh tươi chào bạn”, “Rực rỡ sắc hè Đà Nẵng”, “Đà Nẵng – đến là để yêu”. Du khách đến Đà Nẵng sẽ được trải nghiệm sự năng động, nhiều sắc màu của các sự kiện, hoạt động du lịch với các sản phẩm như: Chương trình khai trương mùa du lịch biển; Lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng; các sản phẩm, hoạt động diễn ra vào mùa hè tại biển; du lịch sinh thái, cộng đồng tại suối Hoa, Tà Lang, du lịch nông nghiệp; chương trình kích cầu du lịch; tuần lễ Golf; phố đêm biển Mỹ An; đêm Đà Nẵng; tour đường thủy nội địa… các chương trình kích cầu về du lịch hội thảo sẽ được kích hoạt để thu hút khách đến với Đà Nẵng.

Khánh Hòa với “Nha Trang biển gọi”, du ngoạn biển đêm trên vịnh Nha Trang bằng du thuyền, thăm di tích Am Chúa, khám phá công viên Kong Forest, suối khoáng nóng Nha Trang, làng yến Mai Sinh, khu du lịch Đảo Yến Đông Tằm, làng nghề Trường Sơn…

Ninh Bình tổ chức Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ Đàn Kính Thiên, Tuần du lịch “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An”. Bên cạnh đó còn tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật như: Triển lãm Mỹ thuật “Di sản văn hóa Ninh Bình” và Triển lãm ảnh nghệ thuật “Ninh Bình huyền thoại”, Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn…

Ngoài ra, các tỉnh, thành khác cùng nhộn nhịp với lễ hội, tour hấp dẫn của mình để thu hút hàng triệu du khách trong “mùa vàng” rực rỡ. Nhưng, Covid-19 lại trở lại lần thứ 4 khiến ngành “công nghiệp không khói” lại một lần nữa chao đảo, dự báo một mùa hè… thất thu.

“Ngành công nghiệp không khói” lại chao đảo

Những du khách đã trót đặt tour nghỉ lễ 30/4-1/5, người đi thì hoang mang, lo ngại lây nhiễm dịch bệnh, người hủy tour thì xót xa, tiếc của. Các cơ sở lưu trú hay các hãng lữ hành kêu trời vì đơn hủy tour ào ào kéo tới. Anh Vàng A Vui, chủ khách sạn tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) hiu hắt: “Từ đầu tháng 5, tôi đã bị hủy hơn 50 phòng. Cả năm trông vào mùa tắm biển mà bây giờ thành ra thế này. Không biết dịch Covid kéo dài tới bao giờ nữa. Cứ cái đà này, chắc tôi không trụ được, bán khách sạn giá rẻ thời buổi này cũng chẳng ai mua. Tôi thấy bế tắc quá!”.

Cũng buồn bã không kém là các hãng lữ hành. Bà Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Công ty Lữ hành E. than: “Từ tháng 3, tới tháng 4, công ty chúng tôi tới tấp nhận đặt tour nội địa của vài chục đoàn khách, tính ra hơn 1.000 người. Nhưng cuối tháng 4 và đầu tháng 5, tình thế ngược dòng, chúng tôi lại nghe những yêu cầu hủy tour của du khách. Tiền đặt phòng, đặt vé máy bay, chi phí nhân viên đều chuyển đi rồi, bây giờ khách hủy hoặc hoãn tour khiến chúng tôi lại bị bồi thêm cú trời giáng… lần Covid thứ 4 này”.

Theo nhiều doanh nghiệp, mặc dù qua ba đợt dịch bùng phát nhưng các địa phương vẫn chưa có một kịch bản ứng phó cụ thể, hay điều hành hợp lý để phối hợp với các công ty đưa khách đến địa phương, hạn chế tổn thất cho du khách. Phản ứng của các địa phương rất khác nhau và thường rất đột ngột, nên “doanh nghiệp bị xoay như chong chóng”. Vị này cho biết thêm, qua ba đợt dịch bùng phát, doanh nghiệp du lịch vẫn cố gắng bám trụ thị trường và du lịch cho thấy không chỉ là nhu cầu thiết yếu của người dân, mà duy trì hoạt động này còn thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Thế nhưng, một khi có dịch bùng phát, du lịch lại bị “hắt hủi” đầu tiên.

Theo các chuyên gia du lịch và lãnh đạo các địa phương, những đợt dịch trước, các kiến nghị của thành phố cho các gói hỗ trợ đều đã được Chính phủ ghi nhận, hiện thực hóa bằng nghị quyết, thông tư. Tuy nhiên, khi đi vào cuộc sống, các quy định này còn những bất cập. Hiện các doanh nghiệp chủ yếu gặp các khó khăn về người lao động làm việc ở thành phố nhưng hầu hết có hộ khẩu ở các tỉnh. Theo đó, những lao động này muốn hưởng trợ cấp phải về quê xác nhận. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa nhận được gói hỗ trợ, dẫn tới thiệt thòi cho người lao động…

Đối với một số doanh nghiệp, để người lao động được hỗ trợ, doanh nghiệp phải chứng minh không có khả năng chi trả lương… cũng đã phát sinh nhiều bất cập. Vì vậy, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn chồng chất do tác động của dịch bệnh.

Về định hướng hoạt động trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ngành Du lịch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về công tác phòng chống dịch; tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa và chuẩn bị sẵn sàng mở cửa thị trường quốc tế khi điều kiện cho phép; tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và phát triển công nghệ hỗ trợ du khách; chuẩn bị kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động SEA Games 31; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động trong Năm Du lịch Quốc gia Ninh Bình 2021; định hướng cho các địa phương cơ cấu lại sản phẩm du lịch và thị trường khách, đồng thời kết nối các hoạt động liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương; nâng cao vai trò quản lý nhà nước về du lịch và điều phối liên kết vùng của Tổng cục Du lịch với các địa phương, doanh nghiệp.

Lưu ý Sở quản lý du lịch các địa phương cần đôn đốc các doanh nghiệp du lịch nghiêm túc thực hiện việc khai báo đánh giá an toàn Covid-19 theo quy định, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, việc khai báo an toàn Covid-19 là một tiêu chí đánh giá cơ sở đủ điều kiện đón, phục vụ khách du lịch.

Bên cạnh việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương cho biết đang chú trọng kích cầu du lịch nội địa thông qua xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tổ chức các sự kiện du lịch hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch trong tình hình mới.

“Thông minh – Văn minh – An toàn” chính là một trong những thay đổi nổi bật nhất của ngành du lịch trong năm 2021. Các du khách không vội vàng hủy chuyến, sẽ tiếp tục đi du lịch, nhưng phần lớn du khách Việt đều ưu tiên lựa chọn các khu nghỉ khép kín, biệt lập, an toàn và tiện nghi đầy đủ.

Theo Pháp luật Việt Nam

0 bình luận

    Cần tìm khách sạn giá tốt

    0963 266 688

    Hoặc để lại thông tin
    Vntrip sẽ gọi lại cho bạn

    Một số cẩm nang khác, bạn muốn biết?

    Xem tất cả

    Các khách sạn phù hợp với bạn! Đừng bỏ lỡ