Đăng nhập

Quên mật khẩu

Đăng ký

Đăng ký mới tài khoản VNTRIP:

Quên mật khẩu

Nhập địa chỉ Email đã đăng ký tài khoản Vntrip, hệ thống sẽ gửi thông tin hướng dẫn bạn khôi phục lại mật khẩu.

Ngã ba Đồng Lộc – Cỏ lên xanh và những câu chuyện vẫn nguyên vẹn>

Ngã ba Đồng Lộc – Cỏ lên xanh và những câu chuyện vẫn nguyên vẹn

Luyến Nguyễn Luyến Nguyễn 12/02/2018
13.1K lượt xem

Ngã ba Đồng Lộc trên đường Hồ Chí Minh (Hà Tĩnh) là tượng đài về ý chí sắt đá và sự hi sinh cao cả của 10 cô gái cũng như của toàn thể lực lượng Thanh niên xung phong trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, quyết tâm bảo vệ con đường ra tiền tuyến. Giờ đây, khi chiến tranh đã đi qua, Ngã ba Đồng Lộc cỏ đã lên xanh nhưng câu chuyện vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi người khi đặt chân tới đây.

Bài viết liên quan: Cẩm nang du lịch Hà Tĩnh – Tất tần tật những kinh nghiệm thú vị cần lưu ngay

Câu chuyện về 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc 

Câu chuyện anh hùng

Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, là giao điểm của Quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Và lịch sử Ngã ba Đồng Lộc còn được các thế hệ sau này lưu truyền mãi.

Vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây. Ngã ba Đồng Lộc có diện tích khoảng 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Do địa hình như vậy nên khi bom đạn của địch trút xuống phía nào, đất đá cũng lăn xuống đường cản trở giao thông.

Hình ảnh 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc lấp hố bom

10 cô gái đang lấp hố bom, ảnh do nhà báo Hoàng Văn Sắc chụp trước 1 tuần khi các cô gái hy sinh (Ảnh: ST)

Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Nơi này đã đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại.

Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4, Đại đội 552 được lệnh san lấp hố bom ở khu vực địch vừa thả bom để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Nhận nhiệm vụ xong, các chị đến hiện trường gấp rút triển khai công việc. Họ làm việc không ngơi tay, ba lần các chị bị vùi lấp, nhưng đều rũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc. Đến 16h30’, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi trúng vào đội hình 10 cô gái. Một, hai phút, rồi năm phút trôi qua. Mặt đất mù mịt. Cả trận địa lặng đi rồi tiếng khóc vỡ òa. Các chị đã anh dũng hy sinh.

Bức ảnh được cho là bức ảnh cuối cùng của 10 cô gái thanh niên xung phong (Ảnh: ST)

Ngã ba Đồng Lộc – di tích lịch sử thu hút khách tham quan

6 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Mảnh đất ngã ba Đồng Lộc năm xưa mang trên mình những hố bom chi chít, giờ đã thành địa chỉ xanh chứa đựng những huyền thoại cao cả, linh thiêng. Đồng Lộc hôm nay đã đổi thay, những con đường bạt ngàn nắng gió, những đồng ruộng thơm mùi lúa thẳng cánh cò bay. Gió đại ngàn vẫn thổi, tiếng chuông ngân vang một góc trời. Nơi đó, 10 cô gái đã hy sinh cho công cuộc thống nhất đất nước.

Nếu có dịp du lịch Hà Tĩnh, hãy ghé thăm ngã ba Đồng Lộc để sống lại một thời lịch sử và tham quan những di tích lịch sử để lại nơi đây.

Tượng đài chiến thắng

Nơi này ngày xưa chi chít hố bom. Phía trước mặt tượng đài là Ngã ba – nơi giao nhau của 3 huyết mạch và dãy núi Trọ Voi. Sau lưng tượng đài là dãy núi Mũi Mác. Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc chính là biểu tượng bất hủ của sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần vươn lên, đạp bằng mọi gian nan, nguy hiểm của lực lượng Thanh niên xung phong, bộ đội, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích… Xung quanh chân tượng đài là biểu tượng của khói lửa, đạn bom và các vầng mây biểu trưng cho hòa bình, hy vọng và màu xanh bất diệt của bầu trời Can Lộc. Dưới chân tượng đài là lư hương và bệ đá. Xung quanh chân tượng đài là những bức phù điêu xếp thành hình cánh cung miêu tả không khí sôi nổi, khẩn trương của Thanh niên xung phong, công nhân giao thông, bộ đội, dân quân, lái xe, nhân dân Đồng Lộc và các xã lân cận san đường, lấp hố bom… dẫn đường cho xe qua.

Tượng đài chiến thắng

Tượng đài chiến thắng (Ảnh: ST)

Cột biểu tượng lưu niệm của ngành Giao thông vận tải

Cột nằm ngay chính giữa Ngã ba Đồng Lộc, được khánh thành ngày 26/3/1992. Nhà bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của ngành nằm gần đối diện với cột biểu tượng, cạnh chân núi Trọ Voi.

Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc

Nhà bia được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng năm 1998, khắc tên 1.950 anh hùng, liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc và các anh hùng liệt sĩ hi sinh tại Ngã ba.

Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc

Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc (Ảnh: ST)

Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong

10 nữ anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong đã hi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc thuộc Tiểu đội 4 Đại đội 552 – Tổng đội thanh niên xung phong 55P18 do Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Thi hài các chị lúc đầu được mai táng tại đội Bãi Dịa (xã Xuân Lộc). Năm 1976, 10 ngôi mộ được quy tập về nghĩa trang của huyện thuộc xã Thiên Lộc, Can Lộc. Ngày 15/7/1990, 10 ngôi mộ được chuyển về dưới chân núi Trọ Voi, cách nhà bia tưởng niệm 30m. Hố bom cạnh nơi 10 chị hi sinh vẫn nằm nguyên vị trí cũ.

Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc

Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh: ST)

Nhà truyền thống thanh niên xung phong toàn quốc

Nơi đây trưng bày 228 hiện vật gốc, 248 ảnh, tư liệu cung cấp cho người xem thấy cuộc sống lao động, chiến đấu của thanh niên xung phong trên mọi ngả đường với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Địch phá một, ta làm mười”. Du lịch Ngã ba Đồng Lộc, bạn nên ghé qua nhà truyền thống thanh niên xung phong toàn quốc để sống lại thời lịch sử oai hùng dân tộc.

Nhà truyền thống thanh niên xung phong

Nhà truyền thống Thanh niên xung phong toàn quốc (Ảnh: ST)

Phòng trưng bày truyền thống Ngã ba Đồng Lộc

Phòng trung bày có một sa bàn điện tử miêu tả cảnh tượng khốc liệt của chiến trưởng Đồng Lộc hơn 40 năm trước cũng như ý chí sắt đá, can trường của quân và dân ta tại “Tọa độ chết” này. Nhà trưng bày có những hiện vật rất đáng quý như bức thư chị Võ Thị Tần gửi mẹ, bộ quần áo của chị Xuân, dây điện và thỏi nam châm phá bom của anh Vương Đình Nhỏ, bát ăn của các chị, sổ lý lịch, sổ ghi bài hát của chị Hường…

Tháp chuông Đồng Lộc

Được khánh thành ngày 2/1/2011, tháp gồm 7 tầng, 8 mái, cao 37m, trên đỉnh tháp có treo quả chuông nặng 5,7 tấn. Du khách có thể theo bậc cầu thang (hình xoắn ốc) để lên đến đỉnh tháp, ngắm nhìn toàn cảnh Ngã ba Đồng Lộc hay hướng mắt ra xa để chiêm ngưỡng cảnh đất trời Can Lộc

“Trời mô xanh bằng trời Can Lộc, nước mô xanh bằng dòng nước sông La, ai về Hà Tĩnh mà quê ta…”.

Tháp chuông Đồng Lộc

Tháp chuông Đồng Lộc rực đỏ khi màn đêm buông xuống (Ảnh: ST)

Chiến tranh đã qua đi, cuộc sống mới lại tiếp tục nảy sinh trên “tọa độ chết” năm xưa. Giờ đây khi thời gian xóa nhòa, con người ta có thể quên tên sông, tên núi, nhưng lịch sử của Ngã ba Đồng Lộc chắc chắn sẽ là ký ức mà tất cả mọi người đọng lại mãi.  Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, điểm du lịch sẽ đem đến cho bạn một cảm xúc hoàn toàn khác những nơi khác. Không xô bồ, không ồn ào, không đẹp tráng lệ. Ngã ba Đồng Lộc là nơi mà chúng ta sẽ lắng xuống một chút, hít thở chậm hơn, quay lại với lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc, nhớ về những người phụ nữ kiên cường, mạnh mẽ. Là nơi mà sẽ rất hối tiếc nếu bạn không một lần trải nghiệm trong chuyến du lịch Hà Tĩnh của mình.

Xem thêm:

0 bình luận

    Một số cẩm nang khác, bạn muốn biết?

    Xem tất cả

    Các khách sạn phù hợp với bạn! Đừng bỏ lỡ