Đăng nhập

Quên mật khẩu

Đăng ký

Đăng ký mới tài khoản VNTRIP:

Quên mật khẩu

Nhập địa chỉ Email đã đăng ký tài khoản Vntrip, hệ thống sẽ gửi thông tin hướng dẫn bạn khôi phục lại mật khẩu.

Một số món ăn ngon ít người biết tại Hội An>

Một số món ăn ngon ít người biết tại Hội An

Luyến Nguyễn Luyến Nguyễn 12/09/2017
62.4K lượt xem

Những món ăn ngon đặc sản Hội An không quá kiểu cách, tỉ mỉ, đòi hỏi nhiều công phu chế biến như các món ăn của Huế nhưng vẫn đủ sức để hấp dẫn thực khách.

Từ thời xưa, mỗi khi xuống phố đi chợ mua sắm, các cô, các chị ở vùng ven hay các huyện xa lấy hàng về bán vẫn thường được mẹ nhắc nhở khéo léo qua câu hát:

“Hội An trăm vật đều ngon
Từ từ lỗ miệng, để chồng con được nhờ.”

Bởi các mẹ sợ các cô, các chị bị những món quà trên phố vốn vừa ngon lại vừa dồi dào đa dạng lôi cuốn rồi lại tiêu pha phung phí, có thể hụt cả vào số vốn mang theo.

Phố Hội An có rất nhiều món ăn độc đáo và hấp dẫn là địa điểm ăn uống lý tưởng. Trong đó, nhiều món ít người biết đến như mạc nạm, giò heo hon, hoành thánh tôm, chào bột báng tôm cua, mít dồn tôm thịt và mì ghe.

Mạc nạm

Cách đây khoảng 50 năm, nói đến các món ăn sáng ở Hội An, nhiều người sẽ nhắc đến mạc nạm. Thoạt nhìn cũng giống như thịt bò kho của vùng Sài Gòn – Chợ Lớn nhưng mạc nạm Hội An không phải là bò kho, dù hai món cơ bản đều được nấu từ bạc nhạc của thịt bò. Điều khác nhau giữa mạc nạm và bò kho nằm ở cách thức chế biến, nấu nướng và nhất là gia vị nêm nếm của mỗi món.

Mạc nạm thường được nấu bằng phần bạc nhạc của thịt bò. Thịt mua ở chợ về cần được chọn ra thành từng thứ như gầu, nạm, gân, gắp để riêng biệt và thái từng loại thịt to nhỏ khác nhau. Sao cho đến khi chín miếng gầu, miếng bắp không bị nhão quá, miếng gân không được cứng quá. Thịt thái xong phải được ướp kĩ bằng một số vị thuốc bắc bí truyền của riêng từng người rồi mới đem nấu.

Mạc nạm
Mạc nạm (Ảnh sưu tầm)

Khi mở nắp nồi ra, bạn đã ngửi được mùi thơm phức. Nước mạc nạm sền sệt, màu hổ phách lại sóng sánh như một loại nước sốt hảo hạng. Nếu được chế biến ngon, ta có thể ăn mạc nạm đến no mà không hề thấy ngán. Trước kia, người dân Hội An thường ăn kèm mạc nạm với bánh mì con cóc nóng giòn (loại bánh mì chỉ to hơn nắm tay người lớn một chút).

Giò heo hon

Giò heo hon cũng là một món ngon Hội An rất được ưa chuộng trong những năm 40, 50 của thế kỉ trước. Từ giò heo, người dân bản xứ có thể chế biến được rất nhiều món ngon như giò heo rút xương, giò heo quay, giò heo hầm, giò heo phá lấu, nấu khìa hay giả cầy… Trong đó, giò heo hon vẫn mang một hương vị hoàn toàn riêng biệt và rất độc đáo.

Giò heo hon
Giò heo hon (ảnh sưu tầm)

Giò heo nướng vàng, chặt thành từng miếng nhỏ, ướp riềng, hành, nước nghệ, muối, tiêu, đường, xì dầu, rượu, mộc nhĩ và hạt sen. Đem giò heo hầm trên lửa liu riu, đổ nước xâm xấp. Khi chuẩn bị nhấc ra, người đầu bếp sẽ cho thêm vừng rang đã xát sạch vỏ.

Nước giò heo hon sền sệt ăn cùng với xôi đậu xanh sẽ mang đến cho thực khách ấn tượng khó quên. Miếng giò heo hon màu vàng cam sậm, thịt không mềm quá, ăn lại ngọt và thơm một vị rất độc đáo.

Nhiều người cho rằng, rượu ướp giò heo là rượu ngâm cùng các vị thuốc bắc. Những người bán giò heo hon nổi tiếng vẫn luôn giữ cẩn mật công thức của mình.
Ngoài Hội An, giò heo hon cũng được chế biến ở Huế, nhưng hương vị, cách nêm nếm có khác đôi chút.

Cháo bột báng tôm cua

Ở Hội An, cháo bột báng tôm cua thường được những người bán rong gánh đi bán vào buổi xế chiều. Một đầu gánh là thùng cháo, bên dưới thùng có lò hâm nóng. Đầu kia là thùng gỗ đựng nhiều ngăn. Ngăn dưới rộng để chứa thùng nước rửa bát và một số ngăn nhỏ ở trên để bát, đĩa và các đồ gia vị như hành ngò cắt nhỏ, tiêu, ớt, nước mắm…

Cháo bột báng thịt cua
Cháo bột báng thịt cua (ảnh sưu tầm)

Cháo chủ yếu được nấu bằng gạo, bột báng và đậu ván, cho thêm tôm lột vỏ hay chả tôm, thịt nạc băm nhuyễn và thịt cua. Nếu gặp đúng đợt, người bán có thể cho thêm cả gạch cua trong cháo. Cháo múc ra bát, chỉ cần rắc chút tiêu và một nhúm hành ngò là đủ ngon lành, hấp dẫn.

Hoành thánh tôm

Ở Hà Nội, Hải Phòng cũng như ở các tỉnh thành lớn phía Nam đều có rất nhiều hàng bán hoành thánh chung với mì, tuy nhiên món hoành thánh tôm vẫn đủ sức trở thành một món ăn đặc sản Hội An.

Không chỉ riêng người dân Hội An mà người dân các huyện của xứ Quảng cũng như khách sành ăn ở các vùng khác, từng nếm qua hoành thánh tôm một lần thì đều nhớ mãi. Hoành thánh ở Hội An có hai dạng: nước và chiên. Phần lớn thực khách đều thích ăn hoành thánh chiên.

Hoành thánh tôm chiên
Hoành thánh tôm chiên (ảnh sưu tầm)

Nhân của hoành thánh chủ yếu là thịt tôm tươi trộn thêm một chút thịt heo xay nhuyễn, cùng với gia vị cho vừa ăn. Mỗi chiếc hoành thánh chỉ gồm lá bột bọc ngoài vuông vức, mỏng manh như tờ giấy vấn thuốc bọc lấy viên nhân rồi đem chiên vàng, dọn ra ăn nóng.

Chỉ chỉ ăn một lần, thực khách sẽ nhớ mãi về sau. Có người bảo lớp vỏ bột mì bọc ngoài hoành thánh không chỉ trộn cùng trứng mà còn pha thêm một loại chả cá nên thực khách ăn, nhai không bao giờ bị dính. Viên hoành thánh thơm ngọt, mới bỏ vào miệng mà như đã muốn vội vàng trôi xuống thực quản.

Mít dồn tôm thịt

Mít dồn tôm thịt là một món ăn ít bán trong các hàng quán mà thường chỉ được người Hội An chế biến cho những người thân trong gia đình.

Trái mít để gần chín, gai hơi nở (mít già) được hái xuống rồi xẻ ra, dùng dao nhỏ tách lấy hột cho thật khéo. Hột mít được luộc chín, lột lớp vỏ cứng, đem đi giã nát thành bột rồi trộn với tôm, thịt, hành, tỏi, tiêu, nước mắm sao cho vừa ăn rồi nghiền cho nhuyễn. Sau đó, người làm nhồi loại nhân này vào bụng mỗi múi mít. Tiếp theo, mít được xếp vào xửng rồi hấp chín.

Mít dồn tôm thịt
Mít dồn tôm thịt (ảnh sưu tầm)

Mít nhồi tôm thịt có thể ăn lúc nóng hoặc ăn nguội. Mỗi múi được cắt ra làm đôi. Khi ăn có đủ hương vị ngọt, thơm của múi, vị bùi của hột mít cộng với chất béo ngọt, đậm đà của tôm thịt và cay nhẹ của các thứ gia vị. Chất ngọt của mít thấu vào nhân. Chất béo, bùi của nhân len vào từng thớ của múi mít. Mít dồn tôm thịt dùng làm món ăn chơi hoặc món khai vị đều rất phù hợp.

Mì ghe, mì sứa

Mì ghe thực chất là món mì Quảng được bán trên ghe (thuyền). Mì ghe đã xuất hiện từ rất lâu và in dấu ấn đậm nét trong lòng người dân Hội An, nhất là với những người cao tuổi.

Vài chục năm trước món mì ghe khá phổ biến tại Hội An bởi lúc đó xe cộ chưa nhiều, việc đi lại từ nơi này đến nơi khác chưa thuận tiện như bây giờ. Dân buôn hay du khách muốn đi xa thì phương tiện thuận lợi nhất là dùng ghe. Khi ngồi trên ghe, nhiều người muốn được thưởng thức một món ăn vừa ngon vừa chắc dạ, lại phải hợp túi tiền. Món mì Quảng bán trên ghe ra đời đã nhanh chóng trở nên quen thuộc vì đáp ứng được tất cả những yêu cầu đó.

Mì Quảng
Mì Quảng (ảnh sưu tầm)

Mì ghe thường có nước nhân là tôm, cua, cá, vốn là những thứ có sẵn ở đồng quê, dễ dàng đánh bắt. Hương vị ngon ngọt của mì ghe là hoàn toàn tự nhiên, không thể lẫn lộn được.

Đặc biệt, khi thu hoạch, sứa được xử lý kĩ càng bằng phèn chua và nước vỏ cây dà một thời gian để thịt tiết ra bớt nước, săn lại và bớt tanh. Sau đó, sứa mới được xắt thành từng miếng nhỏ, trong suốt và giòn sần sật để cho thêm vào nhân của bát mì.

Mì Quảng sứa
Mì Quảng sứa (ảnh sưu tầm)

Trước kia, những người xuôi ngược trên các dòng sông đều biết tới hương vị đậm đà của những ghe mì nổi tiếng ở các bến đò Phú Thuận, bến Dầu, bến sông Thu Bồn… Trong những đêm trăng sáng, thực khách ngồi trên ghe, nghe sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền, vừa ngắm trăng sao vừa thưởng thức tô mì, một món ăn ngon tại Hội An nức tiếng gần xa.

Trên đây là những món ngon Hội An ít người biết đến. Hiện nay, những món ăn này không còn xuất hiện nhiều trên đường phố song nếu hỏi những người dân địa phương, bạn sẽ tìm thấy địa điểm ưng ý để thưởng thức những hương vị ngon tuyệt ấy.

Xem thêm:

0 bình luận

    Cần tìm khách sạn giá tốt

    0963 266 688

    Hoặc để lại thông tin
    Vntrip sẽ gọi lại cho bạn

    Các khách sạn phù hợp với bạn! Đừng bỏ lỡ