- Tin tức > Du lịch > Du lịch Việt Nam >
Top 8 món ăn dân dã miền Tây Nam Bộ cho bữa sáng hấp dẫn
Nội dung chính
Miền Tây vốn nổi tiếng với du khách nhờ những cánh rừng ngập mặn, những miệt vườn trái cây, những khu chợ nổi,…. Tuy nhiên một nét cuốn hút nữa không thể bỏ qua chính là nền ẩm thực độc đáo nữa. Hãy cùng VNTRIP.VN tìm hiểu về những món ăn dân dã miền Tây Nam Bộ cho bữa sáng nhé!
Những món ăn miền Tây Nam Bộ cho bữa sáng
Chuối nếp nướng
Miền Tây có nhiều loại chuối nếp nướng khác nhau. Có nơi dùng xôi xếp được hấp chín với nước dừa để làm vỏ nhưng nổi tiếng nhất vẫn là chuối bọc trong bột nếp và trộn với cốt dừa, gói trong lá chuối rồi mang đi nướng.
Trái chuối sứ được người ta bọc trong lớp nếp nấu dẻo, nếp cũng thấm đều vị cốt dừa nên rất thơm và béo ngậy. Người ta gói thêm lớp lá chuối bên ngoài để chuối ám mùi thơm của lá. Khi nướng cũng phải trở đều tay để không bị khét. Đến khi lá chuối đã sém vàng và có hương thơm là chín. Chính cánh làm này khiến bánh thêm đậm đà và thơm ngon hơn.
Vị ngọt lịm của chuối kết hợp với vị béo ngậy của cốt dừa và bùi bùi của đậu phộng rang làm nên món ăn dân giã miền Tây Nam Bộ.
Xôi bắp
Nếu miền Bắc nổi tiếng với những món xôi mặn thì trong miền Tây lại là xôi ngọt. Món xôi bắp này có bắp và nếp được nấu với nước dừa cho nhão ra. Khi chín, hạt bắp nở bung màu trắng mềm, phía trên có dừa nạo, đậu phộng và muối mè.
Cách nấu xôi nghe có vẻ đơn giản nhưng cũng kỳ công lắm đấy. Bắp được ngâm cùng nước vôi trong cho bong vỏ và mềm hạt. Đậu xanh cũng được nấu cùng, nấu cho chín và nghiền nát ra. Tiếp đó, người ta cho bắp đồ với đậu xanh, gạo nếp cho đến khi tỏa hương thơm nức là xôi đã chín tới. Ở miền Tây, người ta thường cho thêm chút hành phi và đậu phộng để cho ngon và đẹp mắt hơn.
Món xôi dân dã này thường có trong các khu chợ miền Tây. Bạn cũng có thể bắt gặp ở những xe đạp bán dạo dọc đường nhé.
Bánh da lợn
Thoạt đầu, người ta sẽ nghĩ món này của miền Bắc hơn vì cái tên đậm chất Bắc đến thế. Món ăn dân dã miền Tây Nam Bộ này có nhiều lớp bánh chồng lên nhau, được làm từ bột nếp, bột năng, đường và cốt dừa.
Thông thường, người ta không dùng dao để cắt bánh vì nó dễ làm bánh nát và dính lưỡi dao. Thay vào đó là dùng một sợi chỉ mảnh, xắt xuống một cách dứt khoát để tạo ra những miếng bánh nhỏ.
Món bánh da lợn rất dễ ăn và phù hợp cho những ai muốn có món quà sáng nhẹ nhàng. Những chiếc bánh dẻo thơm, đậm hương lá dứa chắc chắn sẽ để lại ấn tượng cho những ai đặt chân đến miền Tây sông nước.
Bánh bò thốt nốt
Đây cũng là một món ăn được yêu thích của người miền Tây, nhất là ở An Giang, nơi trồng nhiều cây thốt nốt. Những nguyên liệu chính để làm món bánh này gồm có bột gạo, bột thốt nốt và nước cốt dừa.
Bột bánh thì được làm từ vỏ của quả thốt nốt già. Người ta mài nhuyễn để lấy bột và pha với bột gạo và nước. Từ công đoạn ủ bột lên men đã cần phải canh chừng thường xuyên. Nếu bột ướt quá thì bánh không ngon mà bột khô thì bánh lại không được xốp.
Cắn một miếng bánh nóng hổi, nhai chậm rãi bạn sẽ thấy được cái vị ngọt béo hòa quyện với hương thơm thoang thoảng của thốt nốt và cốt dừa.
Bánh còng, bánh cam
Đây là hai món ăn dân dã miền Tây Nam Bộ gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Khắp mọi ngõ xóm bạn đều có thể thấy các chị, các dì đội nón lá với mâm bánh bên hông. Cứ thế họ đi bộ dọc đường miệng không ngớt tiếng rao thân thương.
Bánh cam được làm từ bột nếp và bột gạo, bên trong có nhân đậu xanh được tán nhuyễn, trộn cùng đường cát. Người ta có thể cho thêm chút khoai lang để cho vỏ bánh giòn và dậy hương thơm hơn.
Còn món bánh còng cũng có nguyên liệu tương tự như bánh cam nhưng khác ở chỗ là không có nhân bánh. Bánh có hình vòng nên được gọi là bánh còng do cách nói lái của người miền Tây. Cả hai loại bánh này để ngọt và dễ ngán, tuy nhiên cho bữa ăn sáng lại rất chắc bụng.
Xôi vò
Nói đến món ăn dân dã miền Tây Nam Bộ vào bữa sáng thì cũng phải có món xôi vò. Đúng như tên gọi của nó, trước khi thưởng thức, bạn phải dùng tay để vò từng hạt nếp béo để thành hình như hột nhãn nhỏ. Món này có cách nấu khá đơn giản, chỉ có đậu xanh, cốt dừa và nếp.
Xôi vò nấu xong có màu vàng pha thêm chút trắng nhìn rất mộc mạc. Tuy nhiên ăn một lần là nhớ mãi đấy. Gạo nếp cái được nấu dẻo thơm và đem đồ cùng với đậu xanh đã nấu nhừ, tiếp đó người ta cho đường, cốt dừa, chút muối vào. Đợi đến khi nồi xôi bốc khỏi nghi ngút, thơm nhồng mùi gạo và cốt dừa là có thể thưởng thức rồi.
Xôi sầu riêng
Sầu riêng vốn là trái cây đặc trưng của miền Tây. Ngòai xay sinh tố thì người ta còn dùng để nấu xôi nữa. Nguyên liệu của món xôi sầu riêng cũng đơn giản, có nếp, cốt dừa, sầu riêng. Tuy nhiên cách nấu lại cầu kỳ và được coi là loại xôi hiếm thấy nhất trong các gánh xôi ở miền Tây.
Trong quá trình nấu, xôi liên tục được xới lên cho đều. Khi đã chín thì cho ra thau và trộn với chút nước dừa. Sốt sầu riêng thì được chế biến bằng cách dùng nước dừa đun lên cho nóng, sau đó cho sầu riêng vào khuấy đều, cho chút đường vào cho vừa miệng. Tiếp đến người ta cho thêm chút bột cho sền sệt là xong. Khi xôi chín, người ta bắc ra và cho thêm chút đường nữa. Xới xôi ra đĩa và múc sốt sầu riêng phủ đều lên bề mặt xôi là được.
Món xôi sầu riêng có hương thơm đặt trưng. Khi cho vào miệng nhai, những hạt nếp mềm dẻo hòa cùng hương thơm của sầu riêng sẽ mang đến cho bạn một hương vị lạ miệng. Đặc biệt những tín đồ của món sầu riêng sẽ mê mệt cho xem.
Xôi mít lá cẩm
Cái tên cuối cùng trong danh sách những món ăn dân dã miền Tây Nam bộ cho bữa sáng là xôi mít lá cảm. Món này có hương thơm hấp dẫn và màu lá cảm tím bắt mắt. Đảm bảo bạn ăn một lại thèm ăn hai cho xem.
Nguyên liệu của món này gồm mít, nếp, lá cẩm và cốt dừa. Sau khi nấu chín nếp với lá cảm, người ta cho vào múi mít to và dày thịt. Phía trên từng mũi mít sẽ được rưới thêm nước cốt dừa, ít muối vừng và dừa sợi nữa, Khi ăn, bạn có thể ăn cả mít hoặc chỉ ăn xôi không cũng được nhé.
Tin liên quan:
Bạn có thể quan tâm
Nội dung chính
Cần tìm khách sạn giá tốt
0963 266 688
Hoặc để lại thông tin
Vntrip sẽ gọi lại cho bạn
0 bình luận