Đăng nhập

Quên mật khẩu

Đăng ký

Đăng ký mới tài khoản VNTRIP:

Quên mật khẩu

Nhập địa chỉ Email đã đăng ký tài khoản Vntrip, hệ thống sẽ gửi thông tin hướng dẫn bạn khôi phục lại mật khẩu.

Kinh nghiệm du lịch biển hồ Quỳnh Nhai – Sơn La

Kinh nghiệm du lịch biển hồ Quỳnh Nhai – Sơn La

Luyến Nguyễn Luyến Nguyễn 26/01/2021
1.9K lượt xem

Nhắc đến Sơn La, chắc ai cũng nghĩ đến cao nguyên Mộc Châu với những đồi chè xanh ngát và những thung lũng mận trắng xóa thơ mộng, hay Tà Xùa với sống lưng khủng long hùng vĩ, đầy thách thức.

Thế nhưng, ít ai biết được, ở xứ rẻo cao này còn một điểm đến “xịn” không kém, đó chính là Quỳnh Nhai – nơi có “biển hồ Quỳnh Nhai” là hồ thủy điện lớn nhất cả nước và vô số điểm check-in tuyệt đẹp khác. Cùng Vntrip khám phá vùng đất không-phải-ai-cũng-biết này ngay dưới đây nhé.

1. “Biển hồ” Quỳnh Nhai ở đâu?

“Biển hồ Quỳnh Nhai” hay “Biển hồ Sơn La” thực chất là lòng hồ Thủy điện Sơn La, được Tỉnh ủy Sơn La đặt tên nhằm định danh thương hiệu một cách tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hồ thủy điện lớn nhất cả nước. Hồ thủy điện này nằm trên địa phận các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu thuộc tỉnh Sơn La, cách Mộc Châu khoảng hơn 200km, nếu đi theo quốc lộ 6, mất khoảng 5 tiếng đồng hồ sẽ đến.

Biển hồ Quỳnh Nhai. Hình: Sưu tầm

Biển hồ Quỳnh Nhai. Hình: Sưu tầm

Nếu như diện tích tự nhiên của huyện Quỳnh Nhai là trên 105.600 ha thì riêng tổng diện tích vùng hồ Thủy điện Sơn La thuộc địa bàn huyện đã chiếm hơn 10.000 ha. Quỳnh Nhai nằm giữa một thung lũng rộng lớn, xung quanh còn được bao bọc bởi những dãy núi cao hùng vĩ, được phủ kín bởi những cánh rừng xanh già cội ngút ngàn. Là vùng đất ít ai biết đến và vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp mà tạo hóa đã ban tặng, Quỳnh Nhai đến nay vẫn mang những vẻ đẹp nguyên sơ của riêng mình.

Nhà máy thủy điện Sơn La. Hình: Sưu tầm

Nhà máy thủy điện Sơn La. Hình: Sưu tầm

2. Biển hồ Quỳnh Nhai có gì đẹp?

Với địa hình karst, khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La thuộc địa phận thị trấn Quỳnh Nhai kéo dài đến tỉnh Điện Biên được ví như vịnh Hạ Long trên cạn của Tây Bắc. Nơi đây sở hữu cảnh quan vô cùng đa dạng, hệ sinh thái bán sông nước độc đáo, quần thể sinh học đặc trưng mà đa dạng.

Biển hồ Quỳnh Nhai xanh trong vắt. Hình: Sưu tầm

Biển hồ Quỳnh Nhai xanh trong vắt. Hình: Sưu tầm

Không chỉ vậy, lòng hồ rất rộng, dài tới gần 30 km, dòng nước sông Đà trong xanh như ngọc được ngăn vách tràn về các thung lũng khe núi Quỳnh Nhai, biến nơi đây trở thành khu vực của những hòn đảo nổi, đảo chìm, nối liền nhau trên mặt nước. Trong suốt hành trình khám phá lòng hồ, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến một hệ sinh thái bán sông nước đầy hấp dẫn.

Các nhũ đá được kiến tạo qua hàng nghìn năm, với nhiều hình thù, màu sắc xen lẫn là những vách đá rêu phong, bám trên mình thảm thực vật xanh trải dài ngút mắt. Nét tinh tế được sinh ra từ thiên nhiên kết hợp với nhân tạo, vẻ độc đáo lại được định hình từ những trí tưởng tượng phong phú của người dân địa phương, khiến con vịnh còn ẩn chứa hàng trăm hòn đảo nhỏ với nhiều hình thù lạ mắt như Đảo ông Tiên, Đảo Phượng Hoàng, Đảo con Gà, Đảo con Cóc, Đảo cây Nấm…

Khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai. Hình: Sưu tầm

Khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai. Hình: Sưu tầm

Thấp thoáng ven hồ còn có đến hàng trăm chiếc thuyền đuôi én neo đậu, nét bình dị được thể hiện qua từng hoạt động thường ngày. Mỗi chiếc cần câu, dải lưới được thả ngay giữa những lớp sương mờ từ sáng sớm, rồi lại yên ả trong cái nắng nhẹ về trưa, người ta còn nghe thấy cả tiếng nước du dương như một bản tình ca Tây Bắc…

Biển hồ nhìn từ trên. Hình: Đăng Hấu

Biển hồ nhìn từ trên. Hình: Đăng Hấu

Đến nay, vẫn rất ít người biết về biển hồ Quỳnh Nhai. Tuy vậy, với tài nguyên du lịch phong phú đa dạng, vùng lòng hồ thủy điện Quỳnh Nhai sẽ là tiền đề thuận lợi để phát triển trong thời gian sắp tới về du lịch tham quan, ngắm cảnh, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch nghiên cứu khảo sát khoa học, tìm hiểu về hệ sinh thái và lịch sử, văn hóa của các dân tộc bản địa và cả du lịch truyền thống với việc thưởng ngoạn, trải nghiệm văn hóa, cuộc sống, ẩm thực của người dân tộc bản địa.

3. Thời điểm lý tưởng tham quan biển hồ Quỳnh Nhai

Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch trải nghiệm lòng hồ thủy điện Quỳnh Nhai là từ tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau. Vì đây là mùa nước nổi, mặt nước sông Đà mênh mông trong xanh, phản chiếu mây trời, cảnh vật, mang lại một khung cảnh lãng mạn, tuyệt đẹp. Đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, như: Lễ hội đua thuyền truyền thống; Lễ hội gội đầu người Thái Trắng Quỳnh Nhai; Lễ hội Mừng cơm mới, xã Ngọc Chiến (Mường La)…

Tháng 9 đến tháng 4 năm sau là thời điểm tuyệt vời để du lịch biển hồ Quỳnh Nhai. Hình: Sưu tầm

Tháng 9 đến tháng 4 năm sau là thời điểm tuyệt vời để du lịch biển hồ Quỳnh Nhai. Hình: Sưu tầm

4. Các điểm tham quan khác ở Quỳnh Nhai

4.1. Cầu Pá Uôn

Vắt ngang vùng lòng hồ thủy điện là cầu Pá Uôn – cây cầu được xác lập kỉ lục Guiness Việt Nam có trụ cầu cao nhất Đông Nam Á với trụ chính của cầu cao đến 98.6m. Cây cầu chính là tuyến dường huyết mạch giao thông nối Sơn La với các tỉnh Tây Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai…

Cầu Pá Uôn. Hình: Sưu tầm

Cầu Pá Uôn. Hình: Sưu tầm

Nhìn từ xa, cây cầu giống như dải lụa vắt ngang dòng nước xanh biếc mênh mông. Cầu Pá Uôn được xem là điểm nhấn cảnh quan thiên nhiên là điểm đến của các tour du lịch, tạo đà phát triển ngành “công nghiệp không khói” của huyện Quỳnh Nhai nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Hằng năm, đây còn là “khán đài” của những lễ hội truyền thống để nhân dân và du khách khắp nơi quy tụ như lễ hội đua thuyền, Lễ hội gội đầu của các cô gái Thái Quỳnh Nhai,…

Cầu Pá Uôn mỗi dịp có lễ hội. Hình: Sưu tầm

Cầu Pá Uôn mỗi dịp có lễ hội. Hình: Sưu tầm

4.2. Di tích Linh Sơn Thủy Từ – đền Nàng Han

Đây là một điểm du lịch tâm linh nằm trên đồi Pú Nghịu, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, vị trí có thể bao quát cả một vùng sông nước với phong cảnh hữu tình, thơ mộng. Đứng từ đây, bạn có thể ngắm nhìn cảnh quan biển hồ thủy điện Sơn La và các bản làng tái định cư ven lòng hồ.

Khu di tích Linh Sơn Thủy Từ - đền Nàng Han. Hình: Sưu tầm

Khu di tích Linh Sơn Thủy Từ – đền Nàng Han. Hình: Sưu tầm

Khu di tích Linh Sơn Thủy Từ – đền Nàng Han được khánh thành năm 2011 nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cho nhân dân trong vùng. Trong đó, Linh Sơn Thủy Từ là ngôi đền thờ thần núi thần sông, các vị thần cai quản vạn vật trong trời đất. Còn đền thờ Nàng Han là nơi thờ vị nữ tướng anh hùng dân tộc Thái đã có công dẹp giặc phương Bắc.

Tượng Phật Bà Quan Âm được xây dựng ở cụm di tích. Hình: Sưu tầm

Tượng Phật Bà Quan Âm được xây dựng ở cụm di tích. Hình: Sưu tầm

4.3. Đảo Trái Tim

Đảo Trái tim rộng khoảng 1.3ha thuộc bản Hát Lếch, xã Chiềng Ơn, cách cầu Pá Uôn khoảng 10 km. Nhìn từ trên cao, hòn đảo có hình giống như trái tim với cảnh vật thật nên thơ, sương mờ ảo, nước hồ trong xanh, không khí trong lành.

Đảo Trái Tim. Hình: Sưu tầm

Đảo Trái Tim. Hình: Sưu tầm

Tại đây, bạn có thể tham quan, trải nghiệm rất nhiều các hoạt động khác nhau như: Bơi lội trong dòng nước mát lạnh, leo núi, đạp vịt, câu cá, chụp hình check in giữa những đồi hoa ngũ sắc, đồi chong chóng, cầu kính tình yêu… Ngoài ra tại đây, bạn còn được thưởng thức các món ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái được chế biến từ cá sông Đà như pa pỉnh tộp (cá nướng), gỏi cá, gà nướng mắc khén, canh bon, và trải nghiệm hoạt động cho cá ăn, nghe các nghệ nhân hát Then, xem múa cổ truyền dân tộc Thái vô cùng thú vị.

Một điểm check in ở đảo Trái Tim. Hình: Sưu tầm

Một điểm check in ở đảo Trái Tim. Hình: Sưu tầm

Trải nghiệm hoạt động bắt cá. Hình: Sưu tầm

Trải nghiệm hoạt động bắt cá. Hình: Sưu tầm

4.4. Vịnh Uy Phong

Vịnh Uy Phong thuộc bản Khoang, xã Pá Ma Pha Khinh hiện đang là điểm check-in yêu thích của giới trẻ khi đến Sơn La bởi khung cảnh đẹp như tranh vẽ, được bao bọc bởi trùng điệp núi non nên rất thơ mộng. Để khám phá được vịnh Uy Phong, bạn sẽ lênh đênh trên lòng sông Đà bằng du thuyền chong chóng ngược thượng nguồn sông Đà gần 2 tiếng.

Đi thuyền tham quan biển hồ Quỳnh Nhai. Hình: Sưu tầm

Đi thuyền chong chóng đến vịnh Uy Phong. Hình: Sưu tầm

Trên thuyền tham quan biển hồ. Hình: Sưu tầm

Trên thuyền đến vịnh Uy Phong. Hình: Sưu tầm

Đến vịnh, bạn sẽ phải bất ngờ với khuôn viên nhà nổi được bố trí hài hòa, không gian thoáng đãng tạo cảm giác thoải mái và gần gũi với thiên nhiên. Mọi thứ đều rất dung dị, những vật dụng sinh họat cũng chủ yếu được làm từ các chất liệu tự nhiên như gỗ, tre, nứa…  Tại đây, bạn sẽ có dịp trải nghiệm các hoạt động giải trí thú vị như: chèo thuyền, đu quay, bể bơi ngoài trời, bóng chuyền hơi dưới nước, các hoạt động hoạt náo dưới nước, câu cá, trải nghiệm cá massage chân tại khu nhà lồng nuôi cá bên nhà hàng nổi… Vì vậy, đừng quên chuẩn bị đồ bơi và dụng cụ bởi để trải nghiệm các hoạt động thú vị này nhé.

Check in ở vịnh Uy Phong. Hình: Sưu tầm

Check in ở vịnh Uy Phong. Hình: Sưu tầm

4.5. Bản Bon

Bản Bon nằm ở xã Mường Chiên, nơi vẫn giữ được những nét kiến trúc đặc trưng của những ngôi nhà dàn của dân tộc Thái. Sau khi thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, diện tích đất canh tác nông nghiệp của bản Bon bị thu hẹp, người dân nơi đây đã dần chuyển hướng phát triển kinh tế trên vùng lòng hồ. Khai thác lợi thế có suối khoáng nóng, đặc trưng về văn hóa ẩm thực, văn hóa lễ hội, nếp nhà sàn truyền thống của người Thái trắng, người dân nơi đây đang từng bước đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, gắn với dịch vụ trên lòng hồ.

Thiên nhiên tuyệt đẹp ở bản Bon. Hình: Sưu tầm

Thiên nhiên tuyệt đẹp ở bản Bon. Hình: Sưu tầm

Đến bản Bon, bạn sẽ được tìm hiểu đời sống văn hóa bản làng, nghe giới thiệu về nhà sàn, tham quan một số nhà vườn, nhà làm nghề thủ công truyền thống như đan lát, sản xuất đàn tính tẩu, dệt thổ cẩm, sản xuất nón, nghề nấu rượu men lá, giao lưu văn nghệ cùng các cô gái Thái thướt tha trong từng điệu múa, vòng xòe… và thưởng thức các món ăn dân tộc đặc sản, mang đậm bản sắc dân tộc Thái như: cháo mắc nhung, cơm lam, xôi nếp tan, xôi màu, chẳm chéo, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, cá suối gập, các loại rượu…

Điểm lưu trú ở bản Bon. Hình: Hoàng Lệ Sao

Điểm lưu trú ở bản Bon. Hình: Hoàng Lệ Sao

Ngoài ra, du lịch bản Bon, bạn sẽ được trải nghiệm tắm suối nước nóng thiên nhiên. Nguồn nước khoáng nóng của suối nước nóng bản Bon được chảy tự nhiên từ khe núi, không qua tác động của con người và nhiệt độ nước thường xuyên duy trì từ 40 – 45oC rất phù hợp để ngâm mình chữa bệnh, thư giãn và dưỡng da.

Suối nước nóng thiên nhiên ở bản Bon. Hình: Sưu tầm

Suối nước nóng thiên nhiên ở bản Bon. Hình: Sưu tầm

Nếu bạn muốn tìm kiếm một nơi để hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ, trải nghiệm cuộc sống người dân bản địa đúng nghĩa thì Quỳnh Nhai – Sơn La chính là lựa chọn không thể hoàn hảo hơn. Nào, nhanh nhanh lập team khám phá vùng đất độc đáo này ngay thôi!

0 bình luận

    Một số cẩm nang khác, bạn muốn biết?

    Xem tất cả

    Các khách sạn phù hợp với bạn! Đừng bỏ lỡ