Thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng là một thành phố năng động nhiều màu sắc cùng nhiều điểm vui chơi giải trí. Nếu có cơ hội ghé thăm Sài Gòn bạn sẽ không thể bỏ qua nhà thờ Đức Bà – một trong những địa điểm kiến trúc đặc biệt nhất của thành phố mang tên Bác.
Hình ảnh kiến trúc nhà thờ Đức Bà
Lịch sử hình thành nhà thờ Đức Bà
Ngay sau khi chiếm được Sài Gòn năm 1859, Pháp đã gấp rút cho lập nhà thờ để làm nơi cử hành Thánh Lễ cho người công giáo. Sau nhiều lần chuyển đổi và tu sửa, đô đốc Nam Kỳ Duperre đã tổ chức một cuộc thi vẽ đồ án thiết kế cho nhà thờ mới. Vượt qua hàng chục đồ án thiết kế khác, đồ án của kiến trúc sư J. Bourard đã được chọn mang đậm phong cách kiến trúc Roman pha trộn nghệ thuật Gothic.
Kiểu kiến trúc Roman pha trộn nghệ thuật Gothic
Sau khi đồ án được chọn, nhà thờ chính thức được khởi công năm 1877 và chính kiến trúc sư J. Bourard đã đứng ra trực tiếp giám sát xây dựng công trình. Mọi vật liệu xây dựng như xi măng, sắt, thép,… đều được đưa từ Pháp sang. Sau 3 năm, công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng và tiêu tốn hết khoảng 2.500.000 franc Pháo theo tỉ giá thời bấy giờ.
Kiến trúc cổ kính của nhà thờ Đức Bà
Nét kiến trúc độc đáo của nhà thờ Đức Bà
Vương cung thánh đường Chánh tòa Đức Bà tọa lạc ngay tại trung tâm thành phố ở địa chỉ số 1, Công Xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Chiêm ngưỡng kiến trúc từ trên cao của nhà thờ
Ngày nay nhà thờ Đức Bà là một trong những công trình kiến trúc độc đáo nhất tại Sài Gòn không chỉ thu hút sự quan tâm của hàng triệu lượt du khách cả trong và ngoài nước đến tham quan, tham dự Thánh lễ mà còn là nơi tụ tập của các bạn trẻ năng động.
Kiến trúc nhà thờ luôn là điểm chụp ảnh đẹp cho nhiều người
Trải qua 130 năm biến động chính trị, lịch sử, nhà thờ Đức Bà vẫn sừng sững đứng đó mà dường như không ảnh hưởng bởi thời gian. Toà thánh đường có chu vi 91 x 35,5 m, chiều cao 21 m một công trình khá đặc biệt khi nằm giữa quảng trường, không hề có hàng rào và khuôn viên ngăn cách, nhà thờ Đức Bà thực sự là một điểm nhấn trong không gian đô thị thành phố.
Lúc đầu chưa có đỉnh nhọn trên 2 tòa tháp chuông, năm 1894 mới được gắn thêm theo phương án của kiến trúc sư Gardes, 2 tòa tháp chuông cao 57m. Năm 1920, ở mỗi bên tháp chuông người ta đặt thêm 1 cây thánh giá cao 3,5m , ngang 2 m. Tổng chiều cao của nhà thờ từ mặt đất lên đỉnh là 60.5m. Tháp chuông sở hữu 6 quả chuông với tổng trọng lượng là 25.850kg nặng nhất Đông Dương thời đó.
Kiến trúc tháp chuông sở hữu 6 quả chuông
Nội thất thánh đường được thiết kế thành một lòng chính, hai lòng phụ, tiếp đến là hai dãy nhà nguyện. Thánh đường có sức chứa khoảng 1.200 người, với hai hàng cột chính hình chữ nhật gồm tổng cộng 12 chiếc tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ. Đằng sau những cột chính là hành lang với các khoang đặt khoảng hơn 20 bàn thờ với các tượng thánh nhỏ làm bằng đá trắng tinh xảo. Hệ thống chiếu sáng của thánh đường được thiết kế bằng điện. Ban ngày thì được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, thông qua các cửa kính màu và các lỗ thông gió.
Kiến trúc bên trong của nhà thờ Đức Bà Hồ Chí Minh
Kiến trúc của thánh đường đã tạo nên một hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời trong nội thất đem lại một cảm giác tĩnh lặng và trang nghiêm. Ánh sáng huyền ảo cũng làm các chi tiết kiến trúc, nội thất bên trong thánh đường nổi bật và huyền ảo hơn.
Các chi tiết kiến trúc, nội thất bên trong thánh đường
Phía trên của cửa chính là gác đàn chứa cây đàn organ ống cổ bậc nhất Việt Nam. Cây đàn organ được sản xuất thủ công, nhưng hiện nay không còn được sử dụng bởi đã bị mối mọt ăn phần gỗ bàn phím điều kiển.
Gác đàn chứa cây đàn organ ống cổ bậc nhất Việt Nam
Công viên trước thành đường có một bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình được tạc tại Ý, chuyển về Sài Gòn năm 1959 bằng đường thủy. Bức tượng cao 4,6 m, nặng 5,8 tấn, bằng đá cẩm thạch trắng, không đánh bóng, còn giữ được vẻ thô sơ.
Với kiến trúc độc đáo lại sở hữu những cổ vật quý hiếm
Kiến trúc độc đáo lại sở hữu những cổ vật quý hiếm, chừng ấy thôi đã đủ để nhà thờ Đức Bà Sài Gòn trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách gần xa. Nhà thờ Đức Bà quả thực là một công trình kiến trúc mang đậm phong cách Châu Âu, một “góc bình yên” giữa lòng Sài Gòn.
Tin liên quan: 9 điểm du lịch ở Sài Gòn không thể bỏ qua
0 bình luận