- Tin tức > Du lịch > Miền Trung > Huế >
Đến với Huế mộng mơ, dạo quanh một vòng các lăng tẩm ở nơi đây, bạn sẽ phát hiện ra mỗi lăng sẽ mang một màu sắc, một nét đẹp, một phong cách kiến trúc rất riêng. Nếu như lăng Tự Đức được ví như một bức tranh sơn thủy hữu tình làm say đắm lòng người; lăng Khải Định lại đẹp lạ với những màu sắc kết hợp giữa Đông Tây kim cổ thì lăng Minh Mạng vẫn giữ nguyên cho mình nét đẹp rất truyền thống, rất cổ xưa và đậm đà màu sắc của Nho giáo.
Lăng Minh Mạng (Ảnh: Sưu tầm)
Lăng Minh Mạng sở hữu trong mình một vị trí đắc địa và thuận lợi vô cùng. Tọa lạc trên ngọn núi Cẩm Khê, đây là nơi giao thoa nữa hai con sông Tả Trạch và Hữu Trạch, hợp lại thành sông Hương mộng mơ.
Bài viết liên quan: Kinh nghiệm du lịch Huế
Lịch sử hình thành của lăng Minh Mạng
Minh Mạng là người con trai thứ tư của vua Gia Long, là một người thông minh, lanh lợi, có ý chí và có nề nếp gia giáo. Sau khi vua cha mất, Minh Mạng được phong lên làm vua, thay vua cha lo liệu việc triều chính. Đây là vị vua có công vô cùng lớn trong công cuộc cải cách đất nước, đưa đất nước Đại Nam lên sánh ngang với những quốc gia Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Trong những năm tại vị, Minh Mạng muốn xây dựng cho mình một Sơn lăng để có thể nghỉ ngơi sau những giờ triều căng thẳng hay còn là nơi hương hỏa khi mình băng hà. Quá trình lựa chọn vị trí để xây dựng lăng tẩm hao tổn không ít thời gian. Trải qua 14 năm tìm kiếm, núi Cẩm Khê được lựa chọn làm vị trí đắc địa để tiến hành xây dựng công trình này. Minh Mạng đã đổi tên núi thành Hiếu Sơn và đặt tên cho lăng của mình là Hiếu Lăng.
Lăng Minh Mạng (Ảnh: Sưu tầm)
Vì là một công trình kiến trúc lớn trong cuộc đời mình, nên Minh Mạng chú trọng từng khâu xây dựng lăng. Những bản thiết kế hay báo cáo về kiến trúc lăng đều được chính tay vua phê duyệt. VÌ là một người thâm sâu, uyên bác, theo đạo Nho giáo nên màu sắc kiến trúc của lăng Minh Mạng cũng hoàn toàn phản ánh được con người của vị vua tài ba này.
Lăng được bắt tay vào xây dựng vào tháng 4 năm 1840. Vua Minh Mạng điều các quan thần xuống đào hồ để xây dựng lăng nhưng trong một lần thị sát tiến độ làm việc, vua phát hiện ra công việc không được tiến hành hiệu quả như mình mong muốn nên đã giáng chức các quan trông coi. Thật không may mắn thay, khi chưa tiếp tục xây dựng được La thành, vua Minh Mạng đã lâm bệnh và băng hà.
Lăng Minh Mạng (Ảnh: Sưu tầm)
Ngay sau đó 1 tháng, vua Thiệu Trị lên ngôi kế vị và tiếp tục tiến hành công việc đào hồ xây lăng. Năm 1841, hài cốt của vua Minh Mạng được đưa vào chôn trong Bửu Thành nhưng mãi đến năm 1843 lăng mới chính thức được hoàn thiện.
Bài viết liên quan: 7 Khu Lăng tẩm Huế không thể bỏ qua
Cấu trúc của lăng Minh Mạng
Lăng Minh Mạng là một trong những lăng tẩm được đánh giá là uy nghi, chuẩn mực nhất trong những kiến trúc của thời nhà Nguyễn. Toàn bộ khuôn viên La thành có diện tích 1.750m được sắp xếp đăng đối với nhau tạo nên một quần thể kiến trúc vô cùng đẹp mắt. Nhìn từ trên cao, hình dáng của lăng tựa như dáng một người đang nằm nghỉ ngơi rất tự nhiên và thoải mái: Đầu hướng về phía núi Kim Phụng, hai bên hông là hai bên hồ Trừng Minh còn chân lại đặt lên ngã ba sông đầy thoải mái.
Lăng Minh Mạng nhìn từ trên cao (Ảnh: Sưu tầm)
Lăng Minh Mạng được bao bọc bởi màu xanh của cây, cái yên ả tĩnh lặng của sông hồ, cái vững chãi của núi non, tất cả tạo nên một bức tranh khiến người ta phải trầm trồ thán phục.
Phong cảnh lăng Minh Mạng (Ảnh: Sưu tầm)
Từ cổng lăng bước vào phía bên trong, đập vào mắt ta là những công trình kiến trúc được sắp xếp đối xứng, song song theo ba trục. Ở giữa khuôn viên ấy là một đầm sen tỏa ngát hương thơm. Hình ảnh những bông sen đơn thuần, mộc mạc mà đẹp lạ thường là một biểu tượng không thể thiếu khi người ta nhắc tới những lăng tẩm ở Việt Nam.
Kiến trúc đối xứng của lăng Minh Mạng (Ảnh: Sưu tầm)
Cổng chính của lăng có tên gọi là Đại Hồng Môn, với độ cao 9m, rộng 12m và mang những nét đặc trưng của kiến trúc thời nhà Nguyễn. Đây là dạng cổng tam quan với ba lối đi và được trang trí bởi nhiều họa tiết độc đáo và tinh tế như cá chép hóa rồng. Cổng này rất ít khi được mở ra, chỉ được mở đúng một lần duy nhất là khi người ta đưa quan tài của vua Minh Mạng vào, còn bình thường phải di chuyển ở hai cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn.
Đại Hồng Môn (Ảnh: Sưu tầm)
Từ cổng vào chính là Bái Đình nơi có tượng quan văn võ đứng xếp đối xứng nhau. Kế tiếp đó là Bi Đình với tấm bia đá ghi lại cuộc đời và những chiến công của vua Minh Mạng.
Bước vào khu tẩm điện của lăng Minh Mạng, các bạn sẽ thấy hết sức hứng thú với công trình Hiển Đức Môn. Với ý nghĩa tượng trưng cho thần đất, công trình được xây dựng trên một mảnh đất hình vuông. Điểm đến được coi là trung tâm của khu này đó chính là Điện Sùng Ân, là nơi có bài vị của nhà Vua và Hoàng hậu. Khu tẩm điện mang trong mình một màu sắc uy nghiêm, cổ kính, linh thiêng đến rợn người, nhưng cái không khí đó chỉ được gói gọn trong khuôn viên này.
Điện Sùng Ân (Ảnh: Sưu tầm)
Bước qua 17 bậc thềm đá, cả một không gian bạt ngàn màu xanh đến ngút tầm mắt mở ra, như một chốn thi vị, bồng lai khiến con người ta thấy dễ chịu vô cùng. Những tán cây xanh mượt, những hồ nước rộng mênh mông với những đài sen nhỏ, chen cả tiếng chim, tiếng gió, tiếng lá tạo nên một không gian vô cùng thơ. Đứng trên cầu phóng mắt ra bao quát không gian xung quanh, chắc bạn sẽ có một cảm nhận thật sự thi vị và yên bình.
Ba chiếc cầu bắc qua hồ Trừng Minh đưa ta đến với Minh Lâu, một nơi nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng của nhà vua sau những buổi triều chính bàn việc đại sự, là nơi vua thả hồn mình với cảnh sắc, hương trời thiên nhiên. Minh Lâu được xây dựng với kiến trúc mang đậm chất triết học phương Đông với khuôn hình vuông, hai tầng và tám mái. Trong ánh nhìn đầu tiên, ta đã thấy thực sự ấn tượng với sắc đỏ son bao trùm toàn bộ công trình này, mang đến cảm giác vừa cổ kính lại vừa tươi sáng, thơ mộng.
Minh Lâu (Ảnh: Sưu tầm)
Một kiến trúc bạn không thể bỏ lỡ trong chuyến tham quan lăng Minh Mạng chính là hồ Tân Nguyệt. Đây là biểu tượng mặt trăng bao bọc lấy hình tượng mặt trời của Bửu Thành. Bắc ngang qua hồ là cầu Thông Minh Chính Trực đưa bạn tới với nơi yên nghỉ của vua Minh Mạng.
Hồ Tân Nguyệt (Ảnh: Sưu tầm)
Bên cạnh đó còn có rất nhiều công trình cung điện xinh đẹp nằm trong những lùm cây xanh mượt, có giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ đạt đến độ chuẩn mực.
Lăng Minh Mạng (Ảnh: Sưu tầm)
Có thể nói vẻ đẹp của lăng Minh Mạng Huế là sự kết hợp của màu sắc cổ điển, truyền thống, đậm chất Nho giáo nhưng vẫn không mất đi cái thi vị, lãng mạn và chất thơ ca.
0 bình luận