Hướng dẫn cách vượt suối an toàn khi trekking mùa hè
Trekking là một trải nghiệm du lịch cực kỳ thú vị và mang đến cho nhiều điều mới mẻ, đặc biệt khi mùa hè đến, những cung trekking có sông, suối mát lạnh luôn là lựa chọn được rất nhiều bạn trẻ yêu thích.
Nội dung chính
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho bản thân khi vượt sông, suối khi trekking, bạn cần phải bổ sung cho mình thêm nhiều kiến thức và kĩ năng đặc biệt. Cùng Vntrip tìm hiểu cách vượt suối an toàn khi trekking mùa hè ngay dưới đây nhé!
1. Tìm hiểu kỹ về địa hình của điểm đến
Dù đi bất cứ đâu, việc tìm hiểu kỹ về điểm đến luôn là một trong những bước quan trọng nhất. Trong chuyến trekking, bạn cần tìm hiểu địa hình, thời tiết, cách thức lưu chuyển, tính chất của dòng nước như độ sâu, tốc độ dòng chảy, xác định vị trí có thể vượt suối trước khi tham gia vào quá trình vượt sông, suối. Những thông tin này có thể tham khảo được trên nhiều hội nhóm hoặc search google. Nếu bạn không thể trực tiếp làm việc này thì hãy tham khảo từ leader / người tổ chức dẫn đoàn của mình.
Luôn phải tìm hiểu kĩ về điểm đến trước khi khởi hành. Hình: Sưu tầm
Người leader là người luôn phải tiến hành đánh giá mức độ nguy hiểm ngay trước khi vượt suối. Trong trường hợp nước quá lớn và quá siết, mưa quá lớn thì nhất định phải tiến hành hoãn lịch trình. Có thể lựa chọn hoãn việc qua suối và đợi nước rút dần, có thể đổi hướng di chuyển sang một nước khác mà không đi ngang qua suối. Hoặc nếu đó là một cơn mưa lớn trước khi chuyến đi bắt đầu bạn có thể xem xét hoãn chuyến đi lại vào 1 dịp thích hợp hơn.
2. Trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn
Bên cạnh việc có đầy đủ thông tin về điểm đến thì việc chuẩn bị các trang thiết bị an toàn cần thiết cũng là điều quan trọng trong chuyến hành trình đòi hỏi phải vượt qua dòng nước. Những vật dụng bạn cần có gồm: dây thừng dài; túi ném để hỗ trợ người gặp nạn trong tình huống xấu; áo phao và mũ bảo hiểm để bảo vệ chính bản thân mình. Ngoài ra còn có carabiner, đai bảo hộ an toàn,…
Trang bị đầy đủ vật dụng an toàn. Hình: Sưu tầm
Đừng quên mang theo những vận dụng y tế thông dụng như: băng keo cá nhân, gạc, băng keo y tế, khăn giấy ướt khử trùng, nhíp, kéo nhỏ, thuốc mỡ kháng khuẩn,…Đặc biệt, đặc thù của địa hình suối thác là ẩm thấp và dễ bắt gặp vắt, bạn có thể dùng thuốc chống vắt bôi bên trong cả bàn chân cho đến gối (khi thời tiết khô), thậm chí cả phần đùi cho đến hông (khi có mưa), tai, cổ và vai, cánh tay, nách, đồng thời bôi thuốc chống vắt bên ngoài ở các khe buộc giây, cổ giày, tất, phần ống quần, vai áo, mũ.
Ngoài các vật dụng hỗ trợ lúc vượt suối thì trang phục sử dụng trong chuyến đi cũng là một điều mà bạn cần hết sức lưu ý. Bạn nên chọn những trang phục thoải mái, nhanh khô, giày êm chân, dễ thoát nước. Đồng thời cần bảo vệ đồ đạc bằng túi khô để đảm bảo chúng không bị ướt trong quá trình vượt suối.
3. Rèn luyện sức khỏe trước chuyến đi
Nhằm đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho hành trình trekking vượt suối, các cơ của bạn cần phải có sự chuẩn bị và quen dần với cường độ vận động. Bạn không cần thiết phải là một vận động viên chuyên nghiệp mà chỉ cần có một thể lực cơ bản, cùng với sự tập luyện đều đặn các bài tập bổ trợ tại chỗ hàng ngày trước chuyến đi, chắc chắn bạn sẽ có một chuyến đi thoải mái và tốt đẹp.
Rèn luyện sức khỏe trước chuyến đi. Hình: Sưu tầm
Và để đủ thời gian hình thành một thói quen tốt và cơ thể thích ứng với việc vận động, bạn có thể bắt đầu luyện những bài tập như chạy bộ, squat, leo cầu thang ít nhất 3 lần/ tuần, mỗi buổi 30’ trước chuyến đi nhé.
4. Tìm hiểu các kĩ thuật vượt suối
Trước khi bắt đầu chuyến trekking, bạn cần tự trang bị cho mình những bài học lý thuyết và cả thực hành như thế nào để đảm bảo an toàn về việc vượt qua sông, suối. Khi tham gia vượt sông, suối theo nhóm, tùy vào tốc độ và mực sâu mà bạn nên chọn các phương thức phù hợp.
4.1. Vượt suối theo hàng ngang
Đây là cách vượt suối đơn giản nhất khi mực nước thấp dưới thắt lưng và chảy không quá xiết. Cụ thể, nhóm trekking của bạn sẽ tạo thành một hàng ngang và sử dụng một vật dụng có khả năng chịu lực tốt để liên kết từng người với nhau, hoặc choàng tay qua vai và eo nhau. Điều này sẽ hỗ trợ lực cực kỳ tốt để cùng giúp nhau vượt suối an toàn.
Vượt suối theo hàng ngang. Hình: Sưu tầm
Người dẫn đoàn phải là người có sức khỏe tốt nhất và nhiều kinh nghiệm nhất, lúc này sẽ đứng trên cùng, theo hướng dòng chảy để cản lực chảy của dòng nước nhằm giảm tác động lực đẩy lên các thành viên khác trong đoàn. Đồng thời, người này cũng phải đếm 1,2 để phát lệnh cho cả đoàn cùng bước tới the nhịp đều và đúng cự ly nhằm tránh lệch hàng lối, giảm sức chống chọi với dòng nước của tất cả.
4.2. Vượt suối theo hàng dọc
Đối với các con suối có nước cao lên ngang bụng, bạn hãy áp dụng phương pháp vượt suối the hàng dọc. Cả đoàn kết thành một hàng dọc, tay người ở sau giữ chặt lên vai người ở trước. Người đứng đầu tiên ngược hướng dòng chảy phải là người khoẻ nhất để cản lực nước, những người ở sau sẽ hỗ trợ lực giúp người đứng đầu.
Vượt suối theo hàng dọc. Hình: Sưu tầm
Người đứng đầu nên cầm một cành cây hoặc gậy có độ bền và chắc để chống trụ xuống lòng sông, suối nhằm làm điểm bám trụ. Người đứng đầu sẽ có trách nhiệm hô bước để cả đoàn cùng bước theo để tránh việc bị lệch đoàn sẽ gây giảm sức chống. Với kỹ thuật này thì việc di chuyển sẽ là bước sang một bên, sang trái hoặc sang phải tuỳ theo hướng di chuyển.
4.3. Dùng dây vượt suối
Khi dòng nước quá cao thì một sợi dây dài sẽ là công cụ hỗ trợ tốt nhất. Lúc này, người có sức khỏe tốt nhất, bơi giỏi nhất trong đoàn sẽ cầm dây sang đầu bên kia bờ suối. Dây thừng được căng ngang qua sông để cả đoàn có thể bám vào. Trong trường hợp để đảm bảo an toàn hơn do nước chảy xiết mà bạn bắt buộc phải qua sông, qua suối thì bạn có thể sử dụng đai an toàn kết hợp với móc carabiner để liên kết chắc chắn hơn với dây thừng và an toàn qua suối.
Vượt suối bằng dây thừng. Hình: Sưu tầm
Một lưu ý nhỏ đó là dây thừng phải là loại dây nổi, nhẹ và bền, và phải được đặt dây có vị trí lệch khoảng 45 độ so với dòng nước để giảm lực đầy của nước.
4.4. Kỹ thuật vượt suối Flying – Fox
Kỹ thuật Flying – Fox là kĩ thuật sử dụng đường Zipline để đu qua suối. Kỹ thuật này đòi hỏi một quá trình setup phức tạp với một đường dây chịu lực tốt, thường là dây được làm từ thép, kết nối với bạn bởi bộ ròng rọc chuyên dụng. Đoạn dây cáp được nối từ đầu này sang đầu kia bờ với một độ dốc nhất định. Người vượt suối được trang bị các thiết bị bảo hộ chuyên dụng, đu từ đầu này sang đầu kia của đoạn Zipline.
Kỹ thuật này thường ít được sử dụng vì thời gian set up lâu và dụng cụ mang theo khá rườm rà. Kỹ thuật này chỉ thường được sử dụng ở những cung đường được phát triển tour – nơi mà các đường zipline được bố trí sẵn. Còn đối với những nơi hoang dã hơn hoặc cung tự phát, bạn có thể sử dụng 3 kỹ thuật vượt suối trên. Trong trường hợp nước quá xiết hãy suy nghĩ tới việc nghỉ ngơi, đợi nước rút bớt hãy tiến hành qua suối.
Kỹ thuật vượt suối Flying – Fox. Hình: Sưu tầm
Một chuyến đi vượt sông, suối khi trekking mùa hè với một chút mạo hiểm chắc chắn sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm đáng nhớ và những bài học sinh tồn hữu ích. Tuy nhiên, dù thế nào thì vẫn phải luôn đặt sự an toàn của bản thân và những người đồng hành lên hàng đầu. Hãy luôn nhớ: Không an toàn – Không vượt suối, thà chọn đường vòng dài hơn nhưng đảm bảo an toàn nhé.
Nội dung chính
Cần tìm khách sạn giá tốt
0963 266 688
Hoặc để lại thông tin
Vntrip sẽ gọi lại cho bạn
0 bình luận