Đăng nhập

Quên mật khẩu

Đăng ký

Đăng ký mới tài khoản VNTRIP:

Quên mật khẩu

Nhập địa chỉ Email đã đăng ký tài khoản Vntrip, hệ thống sẽ gửi thông tin hướng dẫn bạn khôi phục lại mật khẩu.

Hành trình du xuân Nam Định mùa lễ hội – địa điểm du lịch gần Hà Nội>

Hành trình du xuân Nam Định mùa lễ hội – địa điểm du lịch gần Hà Nội

Phạm Oanh Phạm Oanh 19/01/2016
5.9K lượt xem

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, khi đất trời khoác lên mình tấm áo mới của thời gian, ấy cũng là lúc một mùa lễ hội lại bắt đầu, trong tiết trời giao hòa, trong sắc xuân phơi phới, lòng người như muốn tìm về với những nét giá trị sơ khai nhưng vững bền. Hành trình du xuân Nam Định sẽ đưa du khách về với mảnh đất của những lễ hội được gìn giữ, nâng niu và bảo tồn như chính cuộc sống của những con người nơi đây.

Lễ hội đền Trần – mảnh ghép tâm linh đất Thành Nam

Thời gian: đêm 14, rạng sáng 15 – 20 tháng giêng âm lịch

Địa điểm: Đền Trần, đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định

Đền Trần tại địa điểm du lịch này là nơi thờ tự các vua Trần cùng những người có công phù trợ nhà Trần, được xây dựng trên nền của một ngôi miếu cũ đã bị phá hủy vào thế kỉ thứ 15. Trước đây, khu vực xây dựng đền Trần được gọi là phủ Thiên Trường, vốn là mảnh đất quê hương của vương triều Trần, theo tư liệu khảo cổ, nền của khu di tích này chính là cung điện Trùng Quang (nơi Thượng hoàng ngự) và Trùng Hoa (nơi các vua Trần đến chầu) cùng các cung điện lớn nhỏ khác, còn lưu lại những dấu tích vàng son của một thời kì lịch sử hào hùng.

Đền Trần Nam Định
Đền Trần Nam Định (Ảnh sưu tầm)

Ngày nay, trong dòng chảy của thời gian, của lịch sử, khu di tích đã được tôn tạo lại với ba khu chính là đền Thiên Trường (đền Thượng) – nơi thờ phụng vua cha, thờ chung mười bốn đời vua Trần cùng các vị thủy tổ nhà Trần và những người có liên quan; đền Cố Trạch (đền Hạ) – tương truyền chính là nhà cũ của Trần Hưng Đạo, bởi thế nhân dân lập đền thờ ông cùng gia đình, gia tướng tại đây và cuối cùng là đền Trùng Hoa mới được xây dựng năm 2000 là nơi đặt tượng đồng của các vị hoàng đế cùng bài vị của các quan văn, quan võ. Đền Trần – địa điểm du lịch gần Hà Nội của ngày hôm nay là nơi gửi gắm lòng biết ơn, niềm ngưỡng vọng và ước mong một xã hội yên bình của mảnh đất địa linh này.

Lễ hội đền Trần được tổ chức vào dịp đầu năm mới, là thời điểm đất trời chuyển giao, trong khung cảnh đất nước thái bình, lòng người thường hướng về nguồn cội và cũng là dịp để du xuân, trẩy hội, là một hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống.

Lễ hội đền Trần nét đẹp tâm linh Nam Định
Lễ hội đền Trần – nét đẹp tâm linh Nam Định (Ảnh sưu tầm)

Lễ hội được mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (23:00 – 1:00) đêm ngày 14, rạng sáng 15 tại địa điểm tham quan này, là dịp để xin hoặc mua ấn với mong ước thành đạt, an bình trong năm mới. Sau khi tổ chức phần khai mạc, đúng 12 giờ, một cụ cao niên đứng ra làm lễ, rồi sau đó, người ta sẽ rước hòm ấn trong tiếng chiêng, tiếng trống hào hùng từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường, cuối cùng sẽ là lễ đóng dấu ấn lên các mảnh giấy vàng và phát cho người dân mang về nhà treo. Những ngày sau đó, người dân từ khắp nơi sẽ về với đền Trần để dâng hương, chiêm bái.

Lễ hội đền Trần, trong màu sắc linh thiêng, trang trọng, trong không khí đất trời chuyển giao đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn của những con người đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này.

Chợ Viềng – Phiên chợ đầu năm

Thời gian: đêm mùng 7, ngày 8 tháng giêng âm lịch

Địa điểm: Thôn Trung Thành, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định và xã Nam Giang, huyện Nam Trực, Nam Định

Người ta vẫn dành cho chợ Viềng tên gọi “phiên chợ cầu may”, mỗi năm chỉ có một lần mà không ai nỡ bỏ lỡ. Mỗi sản phẩm được mua bán ở đây không đơn thuần chỉ là một vật dụng thường ngày mà còn là “tín vật” đem lại may mắn, sức khỏe cho mọi người.

Phiên chợ đầu năm
Phiên chợ đầu năm (Ảnh sưu tầm)

Đến với chợ Viềng, người ta còn tìm đến một nét văn hóa dân gian truyền thống là đạo mẫu với di tích thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Là “cái nôi” của vùng đồng bằng sông Hồng, phiên chợ Viềng Nam Định là đặc trưng của một phiên chợ vùng nông nghiệp với những sản vật tiêu biểu vừa truyền thống lại vừa hiện đại. Chợ đa dạng các mặt hàng phục vụ cho nông nghiệp như: cuốc, xẻng, rổ, rá, quần áo, dao, liềm…cùng các mặt hàng truyền thống của vùng như vó lưới Bồng Làng, đó Văn Tập hay rau cần Thiệu Vịnh,… Bên cạnh các công cụ sản xuất, chợ Viềng còn là nơi buôn bán các loại cây cảnh để lấy lộc, cầu may. Ở phiên chợ này, người ta không tính toán đến giá cả hay kì kèo bởi chỉ cần bán được và mua được để lấy may.

Nhưng có lẽ, chợ Viềng – địa điểm tham quan này đặc biệt hơn cả bởi thịt bò, thịt bê được bày bán khắp nơi và thu hút nhiều du khách. Theo quan niệm, sắc đỏ của thịt bò sẽ đem lại vận may cho cả năm, bởi vậy dù ít hay nhiều, người đi chợ Viềng cũng “sắm” cho mình một miếng đem về.

Thịt bò tín vật may mắn đầu năm
Thịt bò – “tín vật” may mắn đầu năm (Ảnh sưu tầm)

Chợ Viềng có hai phiên, ở huyện Vụ Bản là chợ chính nên người ta gọi là Viềng Phủ còn ở huyện Nam Trực tại làng Chùa nên gọi là Viềng Chùa.

Về mảnh đất Nam Định, ghé thăm chợ Viềng để chứng kiến cảnh người mua, kẻ bán nhộn nhịp, hối hả, sắc mặt tươi tắn trong khung cảnh mưa xuân lất phất giăng ngang đất trời, cỏ cây xanh mướt với những sắc hoa tràn trề sức sống, mới thấm thía hết những giá trị văn hóa muôn đời vững bền.

Lễ hội Phủ Dầy – quần thể tín ngưỡng truyền thống

Thời gian: từ mùng 1 – mùng 10 tháng 3 âm lịch

Địa điểm: Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định

Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức để tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là một vị thần chủ trong tứ bất tử của người Việt Nam và của tín ngưỡng thờ Mẫu (Mẹ) truyền thống.

Hội Phủ Dầy
Hội Phủ Dầy (Ảnh sưu tầm)

Phủ Dầy – địa điểm du lịch gần Hà Nội trước kia chính là nơi Thánh Mẫu giáng sinh, là quê hương của tổ tiên Thánh Mẫu, bởi thế, người dân đã xây dựng đền thờ Mẫu để tưởng nhớ và vẫn còn truyền tụng lại “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”. Quần thể di tích này được bao bọc bởi dải núi uốn lượn, trong khung cảnh sơn thủy hữu tình với ba kiến trúc: phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và lăng chúa Liễu; trong đó, phủ Tiên Hương được gọi là Chính phủ. Tương truyền, bà chúa Liễu Hạnh là người có công trong việc nông nghiệp, giúp đỡ người dân nghèo, chữa bệnh, khai khẩn đất ven sông, tu sửa chùa chiền,…bởi thế được nhân dân suy tôn thành Thánh Mẫu.

Được tổ chức trong 10 ngày, mùng 1 là ngày khai hội, mùng 2 là làng Tiên Hương tổ chức rước nước, mùng 3 là ngày dâng lễ vật với bánh dầy, lợn, xôi, hoa quả, rượu,… Đến ngày mùng 4 là chính giỗ ở phủ Vân Cát và rước Thánh Mẫu lên chùa Dần vào ngày mùng 5. Vào ngày mùng 6, phủ Tiên Hương tiếp tục rước Thánh Mẫu xuống chùa Gôi. Nghi thức rước Thánh được tổ chức long trọng trong không khí thành kính, trang nghiêm, gợi nhắc cội nguồn. Cùng với phần lễ, hầu bóng cũng là một nét đặc trưng của đạo Mẫu Việt Nam.

Hội kéo chữ
Hội kéo chữ (Ảnh sưu tầm)

Bên cạnh phần lễ, phần hội cũng được tổ chức long trọng được gọi là hội “Kéo chữ” (hội hoa trượng), tức là vài trăm người chia 4 hoặc 8 đội, mỗi đội có 1 tổng cờ và đốc cờ, sẽ dùng gậy hoa (gậy được cuốn giấy màu), khi chỉ huy ra lệnh bằng trống, thì theo lệnh của tổng cờ, mọi người sẽ tiến lui rồi ngồi xuống để xếp thành chữ còn các gậy hoa sẽ ngả theo chiều nền chữ. Chữ kéo mỗi năm đều được lựa chọn kĩ lưỡng bởi các vị cao niên tai địa điểm du lịch này.

Một số lễ hội tiêu biểu khác

Hội chùa Keo Hành Thiện

Thời gian: 13 – 16 tháng 3 âm lịch

Địa điểm: Xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, Nam Định

Hội chùa Keo Hành Thiện
Hội chùa Keo Hành Thiện (Ảnh sưu tầm)

Lễ hội được tổ chức nhằm suy tôn Đức Phật cùng thiền sư Không Lộ – người giỏi về chữa bệnh và thơ văn, ông là ông tổ của nghề đúc đồng và là nhà kiến trúc giỏi.

Hội làng La Xuyên

Thời gian: 11 tháng 3 âm lịch

Địa điểm: làng La Xuyên, xã Yên Ninh, Ý Yên, Nam Định

Hội làng La Xuyên
Hội làng La Xuyên (Ảnh sưu tầm)

Lễ hội được tổ chức nhằm suy tôn Lão La – ông tổ nghề mộc thời Tiền Lê.

Hội Phương Thành

Thời gian: 5 – 7 tháng giêng âm lịch

Địa điểm: Xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định

Lễ hội tổ chức để suy tôn ông tổ nghề dệt.

Lễ hội nét đẹp văn hóa
Lễ hội – nét đẹp văn hóa (Ảnh sưu tầm)

Mỗi một mùa lễ hội về là một lần người người nhà nhà nô nức trảy hội, đây không chỉ là một nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi người tại địa điểm du lịch này.

0 bình luận

    Cần tìm khách sạn giá tốt

    0963 266 688

    Hoặc để lại thông tin
    Vntrip sẽ gọi lại cho bạn

    Các khách sạn phù hợp với bạn! Đừng bỏ lỡ