- Tin tức > Du lịch > Miền Trung > Huế >
Du lịch Huế 1 ngày nên đi đâu, làm gì?
Nội dung chính
Hòa cùng sự phát triển của xã hội, Huế giờ đây đã đổi thay rất nhiều. Huế bây giờ không chỉ là nơi lưu giữ di tích lịch sử văn hóa với các cung điện, đền đài lăng tẩm mang hơi thở cổ kính và truyền thống, mà Huế đang trở thành một điểm đến thu hút giới trẻ bởi nhiều điểm check-in mới, hay ho và thú vị.
Vậy, nếu có 1 ngày ở Huế thì nên đi đâu, làm gì để có thể xem là trải nghiệm hết những điều đặc trưng của Huế? Cùng tham khảo lịch trình du lịch Huế 1 ngày ngay dưới đây của Vntrip nhé.
1. Buổi sáng
1.1. Đại Nội Huế
Buổi sáng ở Huế, hãy chịu khó dậy sớm, dạo một vòng quanh dòng Hương đến với Hoàng Thành – Đại Nội để tận hưởng không khí trong lành của những con đường nhỏ dẫn vào chốn kinh kỳ rêu phong cổ kính nhé. Đại Nội mở cửa lúc 7 giờ sáng, bạn cần ít nhất ba giờ để khám phá toàn bộ Đại Nội, bởi bên trong có hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ.
Bên ngoài Đại Nội. Hình: @karisthaaa
Đặt chân đến Đại Nội Huế, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm công trình cung điện nguy nga, đền đài và miếu thờ bề thế như: Ngọ Môn, Cung Diên Thọ, Tử Cấm Thành, Điện Thái Hòa. Đây là nơi để bạn có thể được nhìn lại quá khứ oai hùng của dân tộc ta trước đây. Tất cả những dấu vết, đồ vật năm xưa đều được bảo vệ cẩn thận và đó là những dấu tích về thời kỳ phong kiến hưng thịnh của nước nhà. Tất cả mọi thứ đều hiện lên rất chân thực và in dấu mãi theo thời gian.
Cổng vào Đại Nội. Hình: @by.mochiii
Bên trong Đại Nội nguy nga, bề thế. Hình: @iwantit_dat_way
1.2. Chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ là một trong số ít những danh thắng nổi tiếng mà không cần tốn phí tham quan ở Huế. Ngôi chùa là biểu tượng gắn với nét đẹp hiền hòa của cố đô Huế, trở thành điểm du lịch Huế nhất định phải ghé thăm của bất kỳ một du khách nào ghé thăm nơi linh thiêng nhưng cũng đầy lãng mạn này. Nếu ghé Huế mà chưa một lần nhìn ngắm chùa Thiên Mụ thì bạn chưa thật sự đến Huế đấy.
Chùa Thiên Mụ. Hình: @cherrielynn
Một điều khiến chùa Thiên Mụ thu hút được nhiều du khách đó là bởi chùa nằm trên một gò đất cao, nên từ đây có thể ngắm nhìn cả một khoảng sông Hương bên dưới, lúc nào cũng có gió thổi hiu hiu, thơ mộng vô cùng. Gọi là chùa, nhưng chùa Thiên Mụ không có nhiều tượng Phật như những chùa khác, chủ yếu là nơi lưu giữ các cổ vật quý giá về mặt lịch sử và nghệ thuật, như những bức tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, những câu đối, chuông đồng, hay chiếc xe ô tô đã chở nhà sư Thích Quảng Đức đến nơi tự thiêu,…
Từ chùa Thiên Mụ, có thể ngắm nhìn cả một khoảng sông Hương bên dưới. Hình: @karisthaaa
1.3. Văn Thánh
Ngay khi vừa qua chùa Thiên Mụ chưa đến 1 km, bạn sẽ nhìn thấy Văn Miếu xuất hiện trên một ngọn đồi thấp, lấy phân nhánh của Trường Sơn làm thế tựa lưng, xung quanh có la thành bao bọc.
Văn Thánh Huế. Hình: Sưu tầm
Cùng với Văn Miếu Quốc Tử Giám, Văn Miếu Huế được lập ra với mục đích tôn vinh các thánh hiền của đạo Nho trong thời kỳ thịnh trị nhất – đây cũng chính là thời kỳ vương triều Nguyễn dùng Nho học làm phương tiện trợ giúp đắc lực để thiết lập quyền thống trị trên toàn đất nước. Toàn bộ công trình gồm 50 hạng mục lớn nhỏ được kết cấu mái bằng gỗ quý. Kiến trúc và các đồ tự khí đều mang tính đăng đối, uy nghi, văn vẻ, triết lý nho học rất bài bản, chu đáo. Tuy nhiên, do tàn tích chiến tranh và thời gian, hiện nay, một vài công trình đã bị hư hại.
Văn Thánh tuy đẹp nhưng không được khai thác nhiều. Hình: @hoanglinhha
Tuy không phải là điểm tham quan nổi tiếng ở Huế, nhưng nếu có dịp đến thăm ngôi miếu Văn Miếu này một lần, thì hẳn bạn sẽ hiểu rõ, nhớ rất kỹ những vẻ đẹp nghiêm trang cổ kính hòa cùng thiên nhiên sông nước hữu tình nơi đây. Vì vậy, nếu bạn là người thích tìm hiểu về lịch sử của các đời vua chúa Huế, hay thời lịch sử xa xưa, thì Văn Miếu chính là một địa điểm tham quan ý nghĩa, thú vị và đầy tính nhân văn.
2. Buổi chiều
2.1. Lăng Khải Định
Sau khi ăn uống và nghỉ ngơi buổi trưa, hãy bắt đầu hành trình buổi chiều tại lăng Khải Định. Lăng Khải Định cách trung tâm thành phố khoảng 10km, mất khoảng 20 phút đi xe. Nếu bạn thật sự là người đam mê với kiến trúc thì nhất định không nên bỏ qua lăng này nhé.
Lăng Khải Định có kiến trúc tuyệt đẹp. Hình: Hoàng Linh Hà
Lăng Khải Định được xây dựng trong 11 năm (1920 – 1931), kéo dài 2 đời vua nhà Nguyễn là Khải Định và con mình là Bảo Đại. Dù là công trình lăng có diện tích nhỏ nhất nhưng đây lại là công trình lăng tốn nhiều công sức và tiền của nhất trong các lăng tẩm Triều Nguyễn.
Lăng Khải Định là một công trình có giá trị cao về nghệ thuật mà đời sau cần phải học hỏi. Hình: Hoàng Linh Hà
Lăng Khải Định có vị trí vô cùng đắc địa, khi là một tổng thể vươn tới 127 bậc tam cấp, bao quanh là khoảng cây cỏ đồi núi và khe suối rộng lớn, làm tăng thêm sự nổi bật của lăng giữa thiên nhiên hùng vĩ. Bỏ qua những lời bàn tán về việc xây dựng lăng và câu chuyện về lối sống xa hoa của vua Khải Định, thì lăng Khải Định được xem là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh, là một công trình có giá trị cao về nghệ thuật mà đời sau cần phải học hỏi. Đó là sự kết hợp kiến trúc độc đáo từ nhiều trường phái khác nhau như Ấn Độ giáo (cổng trụ hình tháp), Phật giáo (trụ biểu dạng stoupa), kiến trúc Roman Gothic (những hàng cột bát giác, vòm cửa cao rộng)…
Bên trong lăng Khải Định. Hình: Hoàng Linh Hà
2.2. Làng hương Thủy Xuân
Tiếp theo hành trình, hãy ghé đến làng hương Thủy Xuân ẩn mình dưới chân đồi Vọng Cảnh, cách trung tâm thành phố khoảng 7km – nơi đang là điểm check-in yêu thích của rất nhiều bạn trẻ bởi background chụp hình siêu nghệ thuật.
Hàng hàng lớp lớp những bó tăm hương đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, nâu, vàng. Hình: @lienlocoseyo
Bước chân đến đầu làng, hương thơm của hương đã tỏa ngát khắp không gian. Đi một vòng quanh làng hương Thủy Xuân, bạn sẽ choáng ngợp với hàng hàng lớp lớp những bó tăm hương đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, nâu, vàng,… vô cùng đẹp mắt. Hơn nữa, các nghệ nhân làng hương không chỉ chú trọng đến chất lượng nguyên liệu tạo nên màu sắc rực rỡ của hương mà cũng rất tinh tế khi chọn ướp mùi thơm cho hương, mang đến một mùi hương không quá nồng nhưng đủ làm bạn cảm nhận được nét truyền thống bao đời người Việt Nam.
Background không thể “xịn” hơn. Hình: @lienlocoseyo
Ngoài ra, khi đến tham quan làng hương, bạn sẽ được tận mắt khám phá các công đoạn làm hương bằng thủ công. Bạn chắc chắn sẽ vô cùng thích thú khi tự tay se thử một cây hương hay học cách làm nên một que hương cúng và qua đó tìm hiểu thêm, biết nhiều hơn về nghề làm hương cùng cuộc sống thường nhật của người dân làng Thủy Xuân xứ Huế.
2.3. Đồi Vọng Cảnh
Đồi Vọng Cảnh cao khoảng 43m, vì vậy, từ đây bạn sẽ nhìn được toàn cảnh của Huế, từ những vườn cây ăn trái, những ngọn thông xanh cao vút, những mái nhà ngói xám của đền chùa, cho đến cả lăng Minh Mạng, lăng Khải Định, lăng Tự Đức, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh,…Mà từ tầm nhìn này sẽ hoàn toàn khác biệt so với khi bạn nhìn ở phía dưới đấy nhé.
Đồi Vọng Cảnh. Hình: @golliwog21
Đồi Vọng Cảnh đẹp nhất vẫn là vào những buổi hoàng hôn ấy. Lúc này mọi thứ xuất hiện như một bức tranh tuyệt đẹp, vì vậy nếu có 1 ngày ở Huế, bạn hãy sắp xếp thời gian ghé thăm đồi Vọng Cảnh vào buổi chiều nhé. Thời gian thích hợp nhất để chiêm ngưỡng hoàng hôn từ đồi Vọng Cảnh là lúc chiều tà khoảng 17h mùa đông và 18h của mùa hè. Lúc này mặt trời dần khuất sau trập trùng núi non, những ánh mây ngả sang đỏ, bầu trời nhuộm một màu vàng óng ả đẹp tới mê hồn. Nếu là những ngày hè oi ả thì đồi Vọng Cảnh chính là điểm tránh nóng siêu “xịn”, bởi thời tiết nơi đây lúc nào cũng mát mẻ, vào hoàng hôn thì đồi lại đón những làng gió mát lành từ nhiều hướng, lúc này đã không còn những ánh nắng gay gắt, bạn có thể tha hồ tản bộ, ngắm cảnh và check-in.
Hoàng hôn trên đồi Vọng Cảnh. Hình: Sưu tầm
3. Buổi tối
3.1. Dạo thuyền ăn tối, nghe ca Huế trên sông Hương
Đừng nghĩ rằng nghe ca Huế chỉ dành cho những người lớn tuổi nhé, nếu có cơ hội được một lần lắng nghe ca Huế trên sông Hương, bạn sẽ khó lòng mà quên những giai điệu này đấy. Không chỉ có những nét buồn, ca Huế còn có khả năng thể hiện những sắc thái vui: có điệu bay bổng lâng lâng, như bài Phẩm tuyết, Nguyên tiêu; ngân nga như Phú lục, Cổ bản, tình tứ quấn quýt như Lộng điệp; rộn ràng như Ngũ lôi; dồn dập như Xuân phong, Long hổ…
Thưởng thức ca Huế trên sông Hương. Hình: Sưu tầm
Ngoài ra, thưởng thức bữa tối trên sông Hương cũng là một trải nghiệm thú vị và khác lạ, là sự kết hợp phá cách giữa truyền thống và hiện đại. Đây là lúc bạn có thể thưởng thức những món ăn truyền thống của Huế, ngắm Huế về đêm qua những góc nhìn thăng trầm trên dòng sông Hương thơ mộng.
Du thuyền hiện đại trên sông Hương. Hình: @iwantit_dat_way
Cũng nói thêm, bây giờ ở Huế không chỉ có thuyền rồng như ngày xưa, mà còn có những chiếc thuyền gỗ hiện đại hơn rất nhiều, mọi người ở đây gọi là “du thuyền”, sạch sẽ, tươm tất và rất chuyên nghiệp luôn đấy nhé.
3.2. “Quẩy” ở Phố Tây
Nếu thuộc hội cú đêm thì đừng quên kết thúc một ngày khám phá Huế tại phố Tây. Đây là một trong những địa điểm để bạn có thể thỏa sức “quẩy” về đêm, để cùng hội bạn lai rai vài chai bia, dĩa mồi rôm rả cùng những câu chuyện không đầu không cuối.
Phố Tây ở Huế. Hình: Mr.Bean
Gọi là phố Tây vì con phố này nằm trong các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Nguyễn Thái Học – nơi tập trung rất nhiều quán xá, bar, pub nhạc xập xình và đặc biệt đây là nơi yêu thích của du khách nước ngoài. Vì chủ yếu phục vụ cho Tây nên hàng quán ở khu này được trang trí rất có “gu”, mỗi quán là một phong cách khác nhau sẽ làm bạn không bao giờ cảm thấy nhàm chán. Mỗi lần đặt chân đến phố Tây là một trải nghiệm đầy mới mẻ với những ai yêu thích sự sôi động.
Một trong số những quán cafe ở phố Tây. Hình: Sưu tầm
Nếu bạn không có nhiều thời gian hãy thử tham khảo lịch trình 1 ngày khám phá Huế trên đây của Vntrip xem sao nhé, hẳn sẽ tìm thấy khá nhiều điều thú vị đấy. Nào, lập team đi ngay thôi, còn chần chừ gì nữa!
Hoặc có nhiều thời gian hơn bạn nên xem lịch trình du lịch Huế A-Z qua bài viết: Kinh nghiệm du lịch Huế từ A-Z cho người mới
Nội dung chính
Cần tìm khách sạn giá tốt
0963 266 688
Hoặc để lại thông tin
Vntrip sẽ gọi lại cho bạn
0 bình luận