Đăng nhập

Quên mật khẩu

Đăng ký

Đăng ký mới tài khoản VNTRIP:

Quên mật khẩu

Nhập địa chỉ Email đã đăng ký tài khoản Vntrip, hệ thống sẽ gửi thông tin hướng dẫn bạn khôi phục lại mật khẩu.

Du lịch Bình Liêu mùa cỏ lau

Du lịch Bình Liêu mùa cỏ lau

Luyến Nguyễn Luyến Nguyễn 30/10/2020
3.5K lượt xem

Nhắc đến Quảng Ninh mùa hè, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến của vịnh Hạ Long hay đảo Cô Tô với biển xanh mây trắng cát vàng đúng không? Nhưng nếu là Quảng Ninh những ngày cuối thu đầu đông thì sẽ thật là thiếu sót nếu bỏ qua cái tên đặc biệt – Bình Liêu. Đây là khoảng thời gian mà những cánh đồng cỏ lau nở rộ, phủ trắng xóa khắp cả sườn đồi. Cùng Vntrip bỏ túi vài kinh nghiệm du lịch Bình Liêu mùa cỏ lau này nhé!

1. Bình Liêu nằm ở đâu?

Bình Liêu là một huyện nằm ở cửa ngỏ phía đông của tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội đến tận 270 km, cách thành phố Hạ Long 108km.

Mặc dù là một huyện của tỉnh Quảng Ninh tuy nhiên do là một huyện miền núi nên khí hậu của Bình Liêu có khá nhiều sự khác biệt so với nền khí hậu chung trên toàn tỉnh. Mùa hè có nắng nhưng thời tiết vô cùng mát mẻ và dễ chịu, mùa đông nhiệt độ đôi khi xuống rất thấp, không kém gì các vùng đồi núi Tây Bắc như Sapa.

2. Mùa cỏ lau Bình Liêu tháng mấy?

Mùa cỏ lau Bình Liêu bắt đầu vào đầu đông, thường là trong một khoảng thời gian ngắn từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11. Khi hoa lau đồng loạt nở bung trắng xóa cũng là lúc thời tiết Bình Liêu đón những đợt gió heo may đầu tiên. Lúc mới nở, hoa lau có màu trắng tinh khôi, mọc thành từng cụm, sau một thời gian, hoa ngả dần sang màu vàng và rụng bay theo gió.

Mùa cỏ lau Bình Liêu từ tháng 10 đến tháng 11. Hình: Minh Diep

Mùa cỏ lau Bình Liêu từ tháng 10 đến tháng 11. Hình: Minh Diep

3. Địa điểm ngắm cỏ lau ở Bình Liêu

Hoa cỏ lau mọc nhiều và đẹp nhất là cung đường vành đai biên giới phía Tây chạy về hướng Lạng Sơn. Trong đó, cột mốc 1305 nằm trên đỉnh núi cao nhất của Bình Liêu là nơi đẹp nhất để bạn chiêm ngưỡng mùa cỏ lau. Cột mốc này còn được biết đến với tên gọi là “sống lưng khủng long”  bởi sự độc đáo của con đường mòn nhỏ xíu trên đỉnh núi, nối các điểm mốc với nhau tạo thành gạch nối như sống lưng của một con khủng long.

Cột mốc 1305 hay còn gọi là "sống lưng khủng long" Bình Liêu. Hình: Thượng Đinh

Cột mốc 1305 hay còn gọi là “sống lưng khủng long” Bình Liêu. Hình: Thượng Đinh

Cột mốc 1305. Hình: Phạm Thu Trang

Cột mốc 1305. Hình: Phạm Thu Trang

Đặt chân đến “sống lưng khủng long” vào độ đầu đông, bạn sẽ phải trầm trồ vì khung cảnh đẹp ngoài sức tưởng tượng của cánh đồng hoa lau trải dài hai bên, chỉ cần đưa tay ra là bạn đã có thể ôm trọn những dải đồi trắng muốt vào lòng mình.

Cỏ lau phủ trắng cả "sống lưng khủng long". Hình: Nguyễn Đức Công

Cỏ lau phủ trắng cả “sống lưng khủng long”. Hình: Nguyễn Đức Công

Chỉ cần đưa tay ra, bạn có thể ôm cả một khoảng đồi núi trắng muốt. Hình: Nguyễn Đức Công

Chỉ cần đưa tay ra, bạn có thể ôm cả một khoảng đồi núi trắng muốt. Hình: Nguyễn Đức Công

Cả độ dài, độ dốc và độ cao của sống lưng Bình Liêu đều mang một vẻ đẹp hùng tráng giữa bức tranh rừng núi hoang sơ. Đi giữa con đường nhỏ nằm giữa đồi cao, bạn sẽ được phóng tầm mắt đến toàn cảnh thiên nhiên tuyệt vời bên dưới, cảm giác tự do, phóng khoáng mà chỉ khi tận mắt nhìn thấy thì bạn mới cảm nhận được.

Thỏa sức chụp hình check-in. Hình: Hoàng Thanh Thủy

Thỏa sức chụp hình check-in. Hình: Hoàng Thanh Thủy

Trước đây, cũng giống như sống lưng Tà Xùa ở Sơn La, sống lưng Bình liêu cũng chỉ là con đường nhỏ với lối đi dài, khúc khuỷu, đầy hiểm nguy. Nhưng giờ đây, một đoạn của con đường này đã được bê tông hóa, vì vậy bạn có thể thỏa thích khám phá và chụp hình check-in mà không phải lo lắng về độ an toàn nữa nhé.

Cỏ lau đẹp nao lòng dưới ánh hoàng hôn. Hình: Phạm Thu Trang

Cỏ lau đẹp nao lòng dưới ánh hoàng hôn. Hình: Phạm Thu Trang

4. Du lịch Bình Liêu bằng phương tiện gì?

4.1. Xe máy

Nếu bạn thuộc team mê phượt, yêu thích những cung đường thì cứ mạnh dạn chọn xe máy là phương tiện đến Bình Liêu nhé. Quãng đường từ Hà Nội đến Bình Liêu chỉ khoảng 270km, thời gian chạy xe mất khoảng 7-8 tiếng, cung đường lại khá đơn giản, dễ dàng, và không nhiều nguy hiểm.

Nếu đi xe máy, bạn cần cân đối thời gian đi lại như chia tổng quãng đường ra làm 3 chặng nghỉ, mỗi chặng bạn nên nghỉ ngơi khoảng 15 phút rồi đi tiếp. Ngoài ra, nên đến Bình Liêu vào đêm hôm trước, nghỉ ngơi một đêm để hôm sau có đủ năng lượng bắt đầu chuyến hành trình của mình nhé.

Phượt Bình Liêu bằng xe máy sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời. Hình: @ndminh

Phượt Bình Liêu bằng xe máy sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời. Hình: @ndminh

4.2. Xe khách

Nếu muốn để đảm bảo sức khỏe cho chuyến đi, bạn có thể lựa chọn xe khách đi Bình Liêu. Vì Bình Liêu chỉ là một huyện nhỏ nên có rất ít chuyến xe chạy đến đây, bạn cần sắp xếp lịch trình và tìm hiểu thông tin kỹ càng để không bị bỏ lỡ chuyến nhé.

Nhà Xe Hưng Long: Một ngày có 2 tuyến xe khách từ Hà Nội thẳng đến Bình Liêu, xuất bến Gia Lâm lúc 7h và 11h, mức giá dao động khoảng 160.000vnd/ người. Trong trường hợp bạn muốn gửi xe máy theo thì nên liên lạc trước nhà xe để đặt chỗ.

Nhà Xe Kiên Đức: Xe giường nằm với mức giá dao động khoảng 200.000 vnd/ người. Xuất bến Hà Nội vào 7h, xuất bến Bình Liêu vào 22h.

5. Du lịch Bình Liêu lưu trú ở đâu?

5.1. Homestay A Dào

Một trong những homestay “có tiếng tăm” nhất ở Bình Liêu là homestay A Dào, một nơi chuẩn chỉnh để bạn được trải nghiệm ngủ nhà sàn, sớm thức dậy chỉ cần mở cửa sổ là có thể hòa mình vào cánh đồng cỏ lau trắng bạt ngàn trước mặt.

Homestay A Dào

Homestay A Dào

Ban công với view đồi núi siêu xinh

Ban công với view đồi núi siêu xinh

Homestay được thiết kế khá đơn sơ với những vật liệu làm nên homestay chủ yếu là tre, nứa, gỗ, mang lại cho bạn cảm giác thân thuộc, gần gũi. Bạn cũng có thể đặt các suất ăn ngay tại homestay với những món ăn đặc sản của Bình Liệu như lợn cắp nách, gà rừng…

5.2. Homestay Sông Moóc

Homestay được chia thành hai khu nhà, một khu có các phòng riêng tiện ích dành cho khách nghỉ đơn, nghỉ đôi với tổng số lượng 8 phòng. Khu nhà sàn bên cạnh dành cho khách nghỉ tập thể với 12 giường tầng, phòng ăn và khu bếp tự chế biến.

Homestay Sông Moóc

Homestay Sông Moóc

Những thửa ruộng bậc thang ngay trước homestay

Những thửa ruộng bậc thang ngay trước homestay

Lưu trú tại đây, bạn có thể phóng tầm mắt đến khung cảnh thiên nhiên bao la, hùng vĩ bên dưới, ngắm mặt trời rạng lúc bình minh, cũng như hoàng hôn buông xuống trên ngọn núi Cao Ba Lanh. Hơn nữa, vì homestay nằm giữa không gian của bản làng người Dao Thanh Phán, nên bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm, khám phá cuộc sống hàng ngày cũng như những phong tục tập quán của người dân nơi đây.

5.3. Homestay Hoàng Sằn

Nếu bạn chỉ đơn giản muốn tìm một chỗ ngủ qua đêm với chi phí rẻ, không yêu cầu cao về thẩm mỹ thì có thể cân nhắc chọn homestay Hoàng Sằn nhé, homestay này là của một thầy giáo đã ở đây hơn 10 năm rồi. Đặc biệt, đây là một nơi được rất nhiều các bạn “phượt” yêu thích và lựa chọn, nên nếu lưu trú ở đây, bạn sẽ có cơ hội làm quen với nhiều người có cùng sở thích và đam mê đấy.

Homestay Hoàng Sằn

Homestay Hoàng Sằn

Cũng tương tự như các homestay khác, bạn không cần phải đi đâu xa để kiếm chỗ ăn, anh chủ homestay sẽ kiêm luôn đầu bếp, phục vụ cho bạn tất tần tật các món ăn đặc sản mà bạn yêu cầu.

6. Bình Liêu còn gì khác ngoài cỏ lau?

6.1. Đường tuần tra biên giới

Bình Liêu sở hữu gần 40 km đường biên với cung đường tuần tra biên giới đẹp ngây ngất, có thể nói là bậc nhất ở vùng Đông Bắc. Đường tuần tra men theo theo biên giới cắt ngang các ngọn núi cao, xung quanh là rừng keo, rừng hồi, quế thơm ngát, dưới thung lũng là các bản làng.

Cung đường tuần tra biên giới đẹp nao lòng. Hình: Đặng Ngọc Quang

Cung đường tuần tra biên giới đẹp nao lòng. Hình: Đặng Ngọc Quang

Trên cung đường này, bạn có thể check-in ở các cột mốc 1300, 1302, 1305 (sống lưng khủng long) và 1327, nơi mà chỉ cần bước qua thôi đã là lãnh thổ của một quốc gia khác rồi đấy.

Cột mốc 1300 trên cung đường tuần tra biên giới. Hình: Thượng Đinh

Cột mốc 1300 trên cung đường tuần tra biên giới. Hình: Thượng Đinh

Quanh các cột mốc cũng là điểm check in khi mùa cỏ lau đến. Hình: Phạm Thu Trang

Quanh các cột mốc cũng là điểm check in khi mùa cỏ lau đến. Hình: Phạm Thu Trang

6.2. Thác Khe Vằn

Thác Khe Vằn thuộc thôn Khe Vằn, Húc Động cách thị trấn Bình Liêu khoảng 20km. Thác cao đến hơn 100m, chia làm 3 tầng rõ rệt với vẻ đẹp khác nhau. Tầng thác thứ nhất chảy từ vách núi cao tạo thành một hồ nước, tầng thứ 2 được chia thành dòng thác bé và dòng thác lớn, tầng thứ 3 chảy từ tầng 2 xuống và theo dòng chảy ra suối.

Thác Khe Vằn. Hình: @d.minhtuyet

Thác Khe Vằn. Hình: @d.minhtuyet

Đặc biệt, Bình Liêu đến mùa cỏ lau cũng là lúc thác Khe Vằn vào mùa nước đổ, lúc này thác luôn đầy ắp nước và hơi nước bao phủ xung quanh thác như tầng mây mỏng, trong lành và mát mẻ vô cùng.

6.3. Đỉnh Cao Xiêm

Với độ cao lên đến 1.429 mét so với mực nước biển, đỉnh Cao Xiêm được mệnh danh là nóc nhà của Quảng Ninh, cho dù bạn đứng ở bản làng nào của Bình Liêu, bạn cũng sẽ nhìn thấy đỉnh núi này.

Trên đỉnh Cao Xiêm. Hình: Giangken

Đường lên Cao Xiêm. Hình: Giangken

Nếu bạn thuộc team mê trekking thì nhất định phải dành thời gian chinh phục đỉnh Cao Xiêm này nha. Chặng đường để chinh phục đỉnh Cao Xiêm ước tính dài khoảng hơn 7km đi bộ, chủ yếu là đường mòn men theo các sườn núi với rất nhiều núi đá nhấp nhô, đi qua cánh rừng hồi, rừng thông, những bãi cỏ rộng lớn với những bụi cây mâm xôi có quả màu đỏ, khung cảnh chắc chắn sẽ khiến bạn “nức lòng” đấy.

Cột mốc trên đỉnh Cao Xiêm. Hình: @sechiluonkim89

Cột mốc trên đỉnh Cao Xiêm. Hình: @sechiluonkim89

6.4. Núi Kéo Lạn

Núi Kéo Lạn cũng là một điểm trekking ở Bình Liêu, tuy nhiên quãng đường ngắn và đơn giản hơn nhiều so với đỉnh Cao Xiêm. Từ điểm bắt đầu trek lên đến đỉnh núi chỉ khoảng 1,5 km thôi, nhưng cũng đủ để khiến bạn phải trầm trồ đấy. Trên đường đi, bạn sẽ được xuyên qua những lối mòn vào rừng, có lúc xuyên qua những đồi thông lá kim tuyệt đẹp, từ 2/3 chặng đường, những phiến đá bắt đầu xuất hiện. Những phiến đá rải rác rồi liên tục và cuối cùng là cả bãi đá với nhiều hình thù, kích thước khác nhau nằm đan xen giữa không gian rộng lớn trên đỉnh núi.

Những tảng đá trên núi Kéo Lạn. Hình: Tuyết Chung

Những tảng đá trên núi Kéo Lạn. Hình: Tuyết Chung

6.5. Bản Sông Moóc

Bản Sông Moóc có diện tích khoảng 375 ha, là nơi sinh sống của người dân tộc Dao. Bản nằm giữa lưng chừng núi, quanh năm lúc nào cũng được bao phủ bởi mây mù, khí hậu vô cùng mát mẻ và dễ chịu. Ngay khi đặt chân vào bản, ấn tượng đầu tiên có lẽ là sự bình dị với những thửa ruộng bậc thang kéo dài ngả màu vàng óng, rừng quế, rừng hồi thơm ngát đến những căn nhà cổ người Dao in hằn dấu vết của thời gian và sự giản dị, mộc mạc của người dân nơi đây.

Bản Sông Moóc. Hình: @trangpinkyy

Bản Sông Moóc. Hình: @trangpinkyy

Tìm hiểu cuộc sống của người dân tộc Dao. Hình: @trangpinkyy

Tìm hiểu cuộc sống của người dân tộc Dao. Hình: @trangpinkyy

Giờ thì bạn đã có đầy đủ thông tin chi tiết từ phương tiện, chỗ lưu trú đến đi đâu chơi gì ở Bình Liêu rồi, việc của bạn chỉ là lập một team thật xịn và xách balo đi cùng nhau cho kịp mùa hoa cỏ lau thôi nào!

0 bình luận

    Một số cẩm nang khác, bạn muốn biết?

    Xem tất cả

    Các khách sạn phù hợp với bạn! Đừng bỏ lỡ