Đắk Lắk chấm dứt mô hình du lịch cưỡi voi tại Bản Đôn
Dạo gần đây, sau khi xảy ra liên tiếp vài sự việc voi bất ngờ tấn công khiến du khách thương vong, Ban quản lý Công ty Du lịch Biệt Điện – đơn vị khai thác Khu du lịch Bản Đôn đã thông báo tạm dừng khai thác tour du lịch trải nghiệm cưỡi voi.
Cưỡi voi là hoạt động du lịch nổi bật ở KDL Bản Đôn. Ảnh: Báo Tây Nguyên
Trước đó, Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam (Animals Asia) đã kiến nghị địa phương nên chấm dứt sớm mô hình du lịch cưỡi voi để công tác bảo tồn đạt hiệu quả. Việc này nhận được nhiều sự ủng hộ của du khách.
Nhiều du khách cho biết, hình ảnh voi đã gắn liền với Khu du lịch Bản Đôn kể từ khi nơi này được đưa vào hoạt động tiếp đón du khách, việc cưỡi voi đi vòng quanh hoặc vượt sông Srêpốk nay đã không còn hấp dẫn, địa phương cần thay đổi loại hình tour du lịch này để thu hút du khách trở lại. Hơn nữa, cưỡi voi là hoạt động khá nguy hiểm và không thú vị. “Ở Thái Lan, người ta cho voi đá bóng, làm xiếc… thì hấp dẫn hơn. Ở đây mình có tới 3-4 người ngồi lên lưng rồi điều khiển voi đi vòng quanh ngắm cảnh, rất nhàm chán.” – một du khách nhận xét.
Một số du khách khác thì đồng ý với quan điểm là cần phải bảo tồn để voi ở tỉnh Đắk Lắk không bị suy giảm nhanh hơn, thậm chí dẫn tới tuyệt chủng. Gắn với việc bảo tồn là xây dựng các mô hình tour du lịch liên quan tới voi chứ không nên tổ chức tour cưỡi voi như hiện nay.
Theo thống kê của Animals Asia, hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 145 cá thể voi.Trong đó khoảng 100 cá thể là voi hoang dã, còn lại là 44 voi được thuần dưỡng (voi nhà). Số này tập trung chủ yếu ở các huyện Lắk, Buôn Đôn, Krông Ana và thành phố Buôn Ma Thuột.
Khi lao động mệt và tâm sinh lý bất thường, voi có thể phản kháng khiến du khách bị thương. Ảnh: Báo Tây Nguyên
Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam – Tiến sĩ Tuấn Bendixsen cho biết, hiện nay trên thế giới không còn quốc gia nào sử dụng voi thuần dưỡng để tổ chức các tour du lịch, đặc biệt là cưỡi voi. Tại Việt Nam, số lượng voi thuần dưỡng ngày càng suy giảm chủ yếu là do chủ voi sử dụng chúng vào các tour du lịch trải nghiệm cưỡi voi. Nếu việc này tiếp tục thì việc bảo tồn voi sẽ không thể đạt kết quả như mong đợi. Kể từ năm 2018, Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam đã hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk khoảng 1,4 tỷ đồng để trung tâm hỗ trợ các chủ voi chuyển dần mô hình du lịch cưỡi voi sang các loại hình du lịch thân thiện với voi hơn.
Bản chất của voi là doang dã, dù được thuần dưỡng nhưng khi phải lao động mệt hay vì tâm sinh lý bất thường, phần hoang dã trỗi dậy sẽ làm chúng phản kháng, gây ra tai nạn là điểu hiển nhiên. Do đó, ngành du lịch Đắk Lắk cần dừng các tour du lịch cưỡi voi vừa tránh tai nạn đáng tiếc và hỗ trợ công tác bảo tồn voi. Ông Tuấn cho biết.
Trong thời gian tới, Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam và UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ lên kế hoạch để chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình tương tác với voi để giảm bớt gánh nặng lao động cho voi, đồng thời hỗ trợ quá trình bảo tồn voi được hiệu quả, hướng đến vừa phát triển du lịch, vừa để voi sinh trưởng tự nhiên, ngăn nguy cơ suy giảm và tuyệt chủng.
Theo Cẩm Luyến / Báo Thể thao Việt Nam
Cần tìm khách sạn giá tốt
0963 266 688
Hoặc để lại thông tin
Vntrip sẽ gọi lại cho bạn
0 bình luận