Cốm làng Vòng – nồng nàn hương vị mùa thu Hà Nội
Có lẽ chẳng cần giới thiệu nhiều thì cốm làng Vòng cũng đã quá nổi tiếng ở Hà Nội. Thu về với hương hoa sữa nồng nàn len lỏi qua từng góc phố, làm người ta lại nhớ, lại thèm chút quà quê dân dã của làng Vòng. Chút cốm xanh xanh đượm mùi thơm, gói mình trong làn hương trong lành của lá sen khiến ai đã một lần nếm cũng đều gật gù xao xuyến.
Cốm làng Vòng – thức quà tinh túy của thu Hà Nội
Hà Nội mùa thu là những gánh cốm nhịp nhàng trên vai các bà, các mẹ trên khắp nẻo đường, là hương vị dân dã như tĩnh lại giữa lòng thành phố nhộn nhịp. Nhắc đến cốm, người ta thường nhớ ngay đến một ngôi làng nhỏ ở quận Cầu Giấy với truyền thống làm cốm bao năm từ thời xa xưa, cốm làng Vòng, thứ quà quê giản dị mà lại đi vào tuổi thơ, lớn lên cùng bao lớp người con đất Tràng An.
Hương thơm của cốm, mùi thơm của lá sen, vị ngọt của lúa nếp non phơi khô. Những hạt cốm làng Vòng luôn mang lại sự thơm mát đến nhẹ nhàng trong những buổi chiều thu trên phố phường Hà Nội. Vào cuối thu, khi những giọt sương giăng tràn khắp lối, kéo theo cái lạnh se sẽ phả vào trong từng trận gió mùa, những chiếc lá sen đã dần chuyển già coong, kết đọng cái hương thơm tinh túy nhất của đất trời, cốm mùa thu bắt đầu theo chân những gánh hàng rong len vào từng ngõ hẻm.
Cốm làng Vòng Hà Nội được làm từ nếp cái hoa vàng, loại nếp hạt tròn căng, bóng, mẩy. Mỗi năm lại có hai vụ nhưng có lẽ ngon nhất phải là khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10, khi tiết trời vào thu. Cách thức làm cốm thì có lẽ ở vùng quê nào cũng biết, nhưng để có được hạt cốm vừa dẻo vừa thơm ngon thì chắc chỉ có làng Vòng mới có được.
Phường Dịch Vọng, Cầu Giấy bây giờ vốn là làng Vòng xưa kia với các thửa ruộng chạy dài theo từng dải đất. Người ta cấy lúa nếp, đợi đến khi lúa khum ngọn, còn ngậm hơi sữa là gặt về để làm cốm. Lúa để làm cốm thì không được vò hay đập mà phải tuốt, tuốt rồi lại rang. Cốm rang xong phải mang giã ngay chứ không được để nguội. Trong quá trình giã cũng không được mạnh tay quá kẻo cốm nát. Khi giã phải luôn tay đảo cốm từ trên xuống, dưới lên cho đều. Cốm giã xong phải cho ngay vào trong các thúng con đã rải sẵn lá sen để mang đi bán ở các phố.
Buổi sáng sớm, bà cụ bưng cái thúng con đựng cốm bên sườn, trên đậy lá sen thong thả đi bộ giữa các phố. Đỗ lại, mua một ít. Bà cụ bán cốm không cần cân, mà lót tay vào cái lá sen đã được phơi héo rồi bốc một nắm trong thúng và lộn ngược lại. Thế là đã có cốm trong lá sen mà lại không dính vào tay, nhanh nhẹn rút sợi rơm nếp xanh buộc lại, rồi đưa cho khách.
Cũng có người cứ ngồi xổm bên cạnh, nhón mấy đầu ngón tay vào gói cốm, hồn nhiên đưa lên miệng để cảm nhận vị mát lành của hương lúa mới, mùi hương sen lan tỏa nơi đầu lưỡi. Cốm là một thứ quà ngon, nhưng không phải là món ăn cho no, nên không ai mua nhiều. Chỉ một gói nho nhỏ, ngồi nhâm nhi thưởng thức bên chén trà xanh, hàn huyên cùng bạn bè, hay ngắm phố phường thì có lẽ không còn gì thú vị bằng.
Nhưng cốm phải ăn với chuối tiêu hoặc quả hồng chín đỏ là ngon nhất. Cốm còn được dùng để làm chè cốm, xôi cốm, hay bánh cốm trong lễ ăn hỏi.
Hà Nội bước vào thời kỳ đổi mới, nghề làm cốm ở làng Vòng đã mai một nhiều. Nhưng trong tâm trí người thủ đô, cốm Vòng vẫn tồn tại như dấu ấn của người Tràng An một thủa.
Có thể bạn quan tâm:
Cần tìm khách sạn giá tốt
0963 266 688
Hoặc để lại thông tin
Vntrip sẽ gọi lại cho bạn
0 bình luận