Nội dung chính
Chuyển đổi số trong giáo dục. Tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục là gì? Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề nói riêng dành cho các doanh nghiệp mà nó còn là bước tiến có ý nghĩa với ngành giáo dục. Hãy cùng Vntrip tìm hiểu chuyên sâu hơn về vấn đề này nhé.
1. Chuyển đổi số trong giáo dục là gì?
Định nghĩa CĐS trong giáo dục
Để hiểu chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục, chúng ta cùng đi tìm khái niệm chuyển đổi số. Có nhiều cách định nghĩa cho vấn đề này: Một số chuyên gia cho rằng chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Microsoft lại định nghĩa chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới…
Nhưng nhìn chung thì tất cả những cách phát biểu trên đều có điểm chung là: Chuyển các hoạt động của chúng ta từ thế giới thực sang thế giới ảo ở trên môi trường mạng.
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ, chuyển đổi số trong giáo dục tập trung vào hai vấn đề:
- Chuyển đổi số trong quản lý
- Chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá.
Trong đó:
Chuyển đổi số trong quản lý là số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu, ..) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ các cấp lãnh đạo, quản lý ra quyết định trong lãnh đạo, điều hành.
Chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá là số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến…; chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công.
2. Tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục
Vai trò quan trọng của việc chuyển đổi số này thể hiện rõ nét nhất trong thời kỳ dịch bệnh. Tại Việt Nam, nhiều cơ sở giáo dục và các trường học áp dụng giảng dạy online trong suốt thời gian diễn ra dịch Covid-19 và thời gian sau đó, song phương pháp trực tuyến vẫn gặp thách thức về công nghệ, cách đánh giá năng lực người học…
Bên cạnh một số trường đã áp dụng công nghệ vào giảng dạy trực tuyến từ nhiều năm trước đây, vẫn còn khá nhiều trường chưa quen với hình thức đào tạo này, hoặc cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin chưa đảm bảo để thực hiện giảng dạy trực tuyến một cách có hiệu quả, và phát huy được năng lực của người học.
Nếu không kịp thời ứng dụng công nghệ vào trong giảng dạy thì 3 năm chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 hẳn là rất khó khăn cho nền giáo dục. Chưa kể, việc đưa dữ liệu số vào trong giảng dạy cũng giúp tiết học trở nên phong phú, đa dạng, dễ hiểu và có nhiều cách tiếp cận hơn.
3. Thực trạng chuyển đổi số trong giáo dục tại Việt Nam
Hiện nay việc chuyển đổi số đang được các cơ quan ban ngành và trường học tích cực thực hiện và bước đầu đã thu được những thành quả nhất định.
Việc ứng dụng chuyển đổi số trong phương pháp giảng dạy
CĐS đang ngày càng được áp dụng rộng rãi
Xu hướng công nghệ số không gian giảng dạy, học tập cần được nhân rộng, các thiết bị thông minh được lắp đặt tại các lớp học như: đầu ghi hình, bàn học thông minh, bảng điện tử thông minh, thiết bị họp trực tuyến,…đã được đưa vào sử dụng trong quá trình dạy học.
Những ứng dụng được áp dụng trong phương pháp dạy học:
- Khóa học trực tuyến E – learning
- Phương pháp học tập thông qua các dự án
- Phương pháp học bằng ứng dụng thực tế ảo
- Các lớp học về Lập trình, STEM, STEAM, Tiếng anh công nghệ
Ứng dụng công nghệ trong quản lý
Nhiều trường đã áp dụng những phần mềm quản lý trường học, nhờ đó việc quản lý được thực hiện đồng bộ, nhanh chóng mà lại tiết kiệm nguồn nhân lực.
4. Điều kiện cần để thực hiện thành công việc chuyển đổi số trong giáo dục
Để thực hiện được quá trình này cần nhiều yếu tố khác nhau từ con người đến phương tiện. Nền tản cơ bản của nó là cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu số chuyên ngành, đường lối, chủ trương, chính sách và đội ngũ cán bộ, giáo viên, người học… Trong đó trước hết, đòi hỏi hạ tầng công nghệ mới, trang thiết bị mới cho cả người học, người trực tiếp giảng dạy, cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý. Đi kèm thiết bị phần cứng là các ứng dụng phần mềm, các nền tảng số để toàn bộ mọi hoạt động giáo dục và quản lý của các cấp diễn ra trên đó.
Bên cạnh đó đường truyền internet ổn định cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Đường truyền ổn định thì mới giúp việc cung cấp, trích xuất dữ liệu được thực hiện mượt mà, không mất thời gian cũng không gặp sự cố gây ảnh hưởng quá trình dạy học.
Nếu như ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục chủ yếu đề cập đến những chương trình, phần mềm riêng lẻ, tách biệt, CĐS yêu cầu tất cả những thứ riêng lẻ này phải tương thích và kết nối với nhau, tích hợp và có thể tiếp cận được trên cùng một nền tảng. Nền tảng này cho phép các hoạt động giảng dạy, quản lý, học tập, kiểm tra, đánh giá, thi cử, quản lý người học và việc giảng dạy, cũng như toàn bộ việc tương tác giữa người học với giáo viên và nhà trường cùng diễn ra.
Trên đây là những thông tin về chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều người thường nghĩ CĐS chỉ có trong các doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh nhưng trên thực tế, việc này có mặt trong mọi lĩnh vực. Nhà nước ta đang thực hiện chính sách CĐS quốc gia, toàn diện trên nhiều mặt của cuộc sống.
>>> Một số bài viết liên quan về chuyển đổi số:
0 bình luận