- Tin tức > Du lịch > Du lịch tâm linh >
Các địa điểm du lịch tâm linh gần Hà Nội nổi tiếng nhất
Nội dung chính
Người Hà Nội từ xa xưa đã có đời sống tâm linh vô cùng phong phú, thể hiện qua các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và đời sống hàng ngày. Du lịch tâm linh cũng vì thế mà ngày càng phát triển. Không chỉ mang đến cho du khách những trải nghiệm của vùng đất mới mà du lịch tâm linh còn mang đến những giá trị khác cho người đi du lịch. Sau đây, bạn hãy cùng mình tìm hiểu về các địa điểm du lịch tâm linh gần Hà Nội nhé.
Chùa Hương
“ Hôm qua em đi chùa Hương
Hoa cỏ còn mờ hơi sương
Cùng thầy me em vấn đầu soi gương
Nho nhỏ cái đuôi gà cao
Em đeo cái dải yếm đào
Quần lĩnh áo the mới
Tay em cầm chiếc nón quai thao…”
Từ xưa chùa Hương đã in đậm trong những lời thơ tiếng hát của bao thế hệ người Việt Nam. Hàng năm cứ mỗi dịp tết đến xuân về chùa Hương lại tấp nập du khách gần xa tới hành hương, lễ Phật, thăm quan vãn cảnh chùa.
Lễ hội chùa Hương đầu xuân
Chùa Hương hay còn được gọi với tên Hương Sơn là một quần thể di tích văn hóa – tôn giáo nổi tiếng ở nước ta với nhiều ngôi đền, ngôi chùa linh thiêng. Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 55km, chùa Hương thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Từ Hà Nội bạn có thể lựa chọn như xe bus, xe máy, ô tô… để di chuyển tới chùa Hương. Tùy theo nhu cầu và mục đích của chuyến du lịch mà bạn hãy lựa chọn cho mình phương tiện di chuyển phù hợp nhất nhé.
Thuyền tấp nập chở du khách trên dòng suối Yến
Lễ hội chùa Hương bắt đầu diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là khoảng thời gian lý tưởng cho du khách thập phương gần xa trở về hành hương lễ Phật để cầu mong một năm mới bình an, mưa thuận gió hòa.
Lễ hội chùa Hương diễn ra từ mùng 6 tháng Giêng đến hạ tuần tháng 3 âm lịch
Bạn cũng có thể tới chùa Hương vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Nếu tới đây vào dịp lễ hội, bạn sẽ có dịp thưởng thức các chương trình văn nghệ độc đáo của người dân nơi đây như chèo thuyền, leo núi, hát văn, hát chèo…Tuy nhiên vào những dịp này thì lượng du khách đến chùa Hương lễ Phật sẽ rất đông, bạn có thể chọn những dịp khác để có thể thoải mái tham quan vãn cảnh. Nếu bạn đến vào cuối tháng 3 âm lịch chính là thời điểm hoa gạo nở đỏ rực hai bên bờ suối Yến xanh mát. Hay vào những tháng cuối năm, đặc biệt là cuối tháng 10 đầu tháng 11, là thời điểm lý tưởng để du lịch chùa Hương bởi du khách có thể ngồi thuyền ngắm hoa súng nở và cảm nhận khung cảnh bình yên nơi đây.
Mùa hoa gạo tháng 3
Mùa hoa súng nở rực rỡ bên dòng suối Yến
Bắt đầu hành trình từ bến Đục, đi đò xuôi theo dòng suối Yến du khách có thể tới được các điểm tham quan nổi tiếng ở chùa Hương. Tùy thuộc vào thời gian bạn ở lại mà có thể tham khảo một số lịch trình khám phá chùa Hương dưới đây:
- Bến Đục – Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Hương Tích – Chùa Giải Oan
- Bến Đục – Đền Trình – Chùa Long Vân- Động Long Vân – Hang Sàm
Ngoài ra nếu có thêm thời gian bạn cũng có thể đi thêm các chùa khác như chùa Tiên Sơn, Chùa Trấn Song cũng vô cùng thuận tiện.
Vì là điểm du lịch tâm linh nên khi đến chùa Hương bạn nên lưu ý khi lựa chọn trang phục khi đến cửa chùa, hay việc chuẩn bị lễ dâng lên chùa nhé.
Chùa Trầm
Chùa Trầm là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Cách trung tâm thành phố khoảng 24km, du khách có thể lựa chọn taxi, xe máy, xe bus hoặc ô tô để di chuyển. Đường tới chùa Trầm khá dễ đi, theo hướng Nguyễn Trãi – Hà Đông – Ba la, đi quốc lộ 6A tới thị trấn Chúc Sơn, sau đó rẽ phải khoảng 2km là tới nơi rồi.
Chùa Trầm mang vẻ đẹp cổ kính và trang nghiêm.
Chùa Trầm được xây dựng dựa trên vách núi Trầm hay còn được gọi là Tử Trầm Sơn. Chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc và văn hóa tâm linh đặc trưng của cư dân đồng bằng Bắc bộ. Chùa Trầm tương đối nhỏ nhưng khuôn viên khá lớn lại có nhiều cây cổ thụ tạo nên không gian rộng rãi, thoáng mát. Diễn ra từ mùng 2 đến mùng 4 tháng 2 âm lịch hàng năm, lễ hội chùa Trầm là dịp để du khách thập phương hành hương lễ Phật đầu năm. Lễ hội được tổ chức long trọng với nhiều hoạt động, trò chơi dân gian…Đặc biệt vào khoảng tháng 3 âm lịch là mùa hoa gạo nở, cả núi Trầm tràn ngập trong sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo.
Hoa gạo nở rực một góc trời
Du khách đến với chùa Trầm không những được thỏa mãn niềm vui tâm linh mà còn được chiêm ngưỡng phong cảnh đặc sắc nơi đây. Bạn cũng có thể đi dã ngoại, leo núi, cắm trại và tổ chức các hoạt động ngoài trời.
Tới Chùa Trầm bạn cũng có thể ghé thăm một số điểm du lịch gần đó
Chùa Tây Phương
Chùa Tây Phương là một trong những di tích quốc gia đặc biệt nằm trên ngọn núi Tây Phương thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Nằm cách thủ đô chỉ khoảng 40km về phía Tây nên việc di chuyển tới chùa Tây Phương cũng khá dễ dàng. Bạn đi theo hướng đại lộ Thăng Long qua ngã tư chùa Thầy, sau đó đi theo hướng dẫn là đến di tích.
Chùa Tây Phương là ngôi chùa cổ thứ hai chỉ sau chùa Dâu Bắc Ninh
Từ chân núi, để lên đến đỉnh và cổng chính của chùa thì bạn phải leo 237 bậc lát đá ong. Dọc hai bên lối đi lên chùa là những hàng cây xanh mát, che rợp con đường khách hành hương.
Đường lên chùa Tây Phương
Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử cũng như sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo lại thì đến nay chùa Tây Phương vẫn giữ được nét cổ kính, độc đáo mà không ngôi chùa nào có được. Đây là nơi hội tụ những kiệt tác điêu khắc, chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Tất cả những nét kiến trúc đó đều được tạo ra từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng mộc truyền thống Chàng Sơn – làng mộc lâu đời và nổi tiếng xứ Đoài. Chùa Tây Phương còn nổi tiếng với bộ tượng Phật gồm 64 bức tượng các vị La Hán được tạc và chạm khắc vô cùng tinh xảo.
Đây là nơi hội tụ những kiệt tác điêu khắc, chạm trổ, phù điêu và tạc tượng.
Lễ hội chùa Tây Phương diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 10/3 âm lịch. Đây là dịp để du khách tới lễ Phật, cầu mong sức khỏe và bình an cho gia đình.
Thiền viện trúc lâm Yên Tử
Thiền viện trúc lâm Yên Tử còn được gọi là chùa Lân hay Long Động Tự, là thiền viện lớn nhất nước ta. Thiền viện nằm trên ngọn núi Yên Tử thuộc địa phận thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Hành trình trở về vùng đất thiêng Yên Tử
Kiến trúc các ngôi chùa ở Yên Tử được dựng lại y nguyên theo kiến trúc phật giáo ban đầu. Cổng Tam quan hai tầng tám mái được xây cân xứng, bước lên các bậc đá cổng tam quan sẽ tiến vào sân chính và tới chùa. Mái chùa được lợp ngói vảy uốn cong hình đầu đao, các cột cái, cột quân ở các chùa đều được làm bằng gỗ lim quý.
Những ngôi chùa mang đậm kiến trúc Phật giáo
Bên cạnh những ngôi chùa mang đậm kiến trúc phật giáo, một số ngôi chùa mới được xây dựng sử dụng chất liệu hiện đại. Trong chùa sơn son thiếp vàng, các bức khảm, án thờ, các cánh cửa được trang trí chạm khắc hoa văn sinh động. Bên trong thiền viện có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, trước nhà thờ Tam Bảo có tượng Bồ Đề Đạt Ma, trong La Hán đường có bộ tượng gỗ 18 vị La Hán nổi tiếng.
Trong chùa được sơn son thiếp vàng, hoa văn điêu khắc tinh tế
Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, du khách từ khắp nơi lại hành hương về Yên Tử để tìm thấy sự bình an, thanh tịnh trong tâm hồn. Lễ Hội Yên Tử được tổ chức bắt đầu vào mùng 9 tháng giêng và kết thúc vào cuối tháng 3 âm lịch.
Du khách lễ Phật chùa Đồng cầu tài lộc sức khỏe và may mắn
Trước khi lên Yên Tử bạn sẽ đi qua đền Trình. Sau đó bạn có thể khám phá các địa điểm khác như: Chùa Hoa Yên, chùa Giải Oan, tháp Huệ Quang, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, chùa Đồng.. Là ngôi chùa cao nhất và rất linh thiêng nên chùa Đồng là nơi được mọi người thường đến. Leo núi Yên Tử, chạm tay vào chùa Đồng để cầu tài lộc, sức khỏe, may mắn cho gia đình và người thân.
Chùa Ba Vàng
Quảng Ninh không chỉ nổi tiếng với vịnh Hạ Long mà còn nổi tiếng là vùng đất linh thiêng với nhiều ngôi chùa, ngôi đền. Trong số những ngôi chùa nổi tiếng ở đây không thể không kể đến chùa Ba Vàng.
Chùa Ba Vàng- điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng
Chùa Ba Vàng còn có tên gọi khác là Bảo Quang Tự. Chùa nằm tọa lạc trên núi Ba Vàng, thuộc địa phận phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh. Ngày nay, sau khi trải qua nhiều lần tu sửa thì ngôi chùa đã được khoác lên mình một vẻ đẹp nguy nga tráng lệ nhất. Chùa chia thành 3 gian bái đường, 1 gian hậu cung và là chùa có tòa chính điện lớn nhất ở Việt Nam.
Chùa nằm trên ngọn núi Ba Vàng
Khi bước chân vào trong chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng bởi hệ thống tượng pháp cao hơn 2m được thiết kế vô cùng đặc sắc và lạ mắt. Bạn sẽ cảm nhận được sự thanh tịnh, yên bình trong tâm hồn, xua tan đi mọi buồn phiền lo âu trong cuộc sống.
Vẻ đẹp chùa Ba Vàng lúc về đêm
Hàng năm, ngày khai hội chùa Ba Vàng diễn ra vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch. Đây là khoảng thời gian thích hợp để tham gia các hoạt động văn hóa vô cùng hấp dẫn. Ngoài ra nếu bạn muốn có không gian yên bình thì có thể lựa chọn tới thăm quan vào dịp mùng 9 tháng 9 âm lịch. Thời điểm này sẽ diễn ra các lễ hội hoa cúc hay còn gọi là tết Trùng Dương.
Khám phá du lịch chùa Ba Vàng
Nếu bạn đang có dự định du lịch Chùa Ba Vàng thì bạn có thể xem xét việc kết hợp cả chùa Yên Tử nhé. Và theo kinh nghiệm của mình thì bạn nên đi chùa Ba Vàng trước rồi sau đó mới sang Yên Tử.
Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính nằm trong quần thể khu du lịch Tràng An – Bái Đính, thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Với bề dày lịch sử gần 1000 năm tuổi, chùa Bái Đính nổi tiếng là một trong những ngôi chùa có nhiều kỉ lục nhất ở nước ta. Hãy cùng mình khám phá những nét đặc sắc của vùng đất đệ nhất danh thắng tâm linh này nhé.
Vùng đất cố đô Hoa Lư
Nằm cách Hà Nội 100km và cách thành phố Ninh Bình khoảng 12km, thật không khó để bạn có thể tìm được một phương tiện di chuyển tới Bái Đính.
Từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch hàng năm được coi là khoảng thời gian thích hợp nhất để du lịch Bái Đính bởi thời tiết mùa xuân ấm áp, rực rỡ. Tuy nhiên nếu không phải người thích bon chen ồn ào thì bạn nên đi vào một dịp khác để tránh khoảng thời gian cao điểm mùa du lịch. Đến Bái Đính, bạn không nên bỏ lỡ những địa điểm tham quan nổi tiếng sau: Hang Sáng Động Tối, Đền thờ Thần Cao Sơn, Giếng Ngọc, Tháp Chuông… Bạn cũng có thể kết hợp du xuân, lễ Phật và tham quan vãn cảnh ở Tràng An nơi có Cố đô Hoa Lư và Tam Cốc Bích Động.
- Những kỷ lục Việt Nam cũng như kỷ lục châu Á được ghi nhận bao gồm: Chuông đồng lớn nhất Việt Nam
- Tượng Tam Thế bằng đồng dát vàng lớn nhất Việt Nam
- Chùa có hành lang La Hán lớn nhất Việt Nam
- Chùa có nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam
- Tượng Phật Di Lạc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á
- Tượng Phật Thích Ca cao nhất, nặng nhất châu Á
Chùa Bái Đính – ngôi chùa to nhất Đông Nam Á
Với kiến trúc độc đáo và lịch sử lâu đời, Chùa Bái Đính đã trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở miền Bắc nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng
Đền Hùng
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3”
Không biết từ bao giờ những câu ca dao trên đã in sâu vào tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Để hàng năm cứ mỗi dịp mùng 10/3 người dân từ mọi miền Tổ quốc lại trở về vùng đất Tổ linh thiêng để dâng hương làm lễ, tưởng nhớ công ơn của các vị vua Hùng.
Lễ dâng hương tại đền Hùng
Đền Hùng là một quần thể đền chùa nổi tiếng ở núi Nghĩa Lĩnh, thuộc xã Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ. Đây là nơi thờ phụng Vua Hùng và các tôn thất của nhà vua, được coi là nơi lưu trữ những giá trị tinh hoa văn hóa đặc sắc của dân tộc. Chính vì vậy, mỗi dịp lễ Tết đầu năm rất nhiều du khách đã lựa chọn đến thăm đền Hùng để tưởng nhớ về cội nguồn của mình. Vào dịp giỗ các vua Hùng ngày mùng 10/3, có rất nhiều hoạt động lễ hội như rước kiệu, dâng hương, làm bánh đã được tổ chức. Nếu tới đền Hùng vào đúng dịp này, bạn sẽ được trải nghiệm không khí tấp nập. rộn ràng ở nơi đây. Đến đền Hùng du khách sẽ được tham quan các địa điểm nổi tiếng như Bảo tàng vua Hùng, Các đền Hạ, đền Trung và đền mẫu Âu Cơ…
Lễ hội đền Hùng diễn ra vào ngày mùng 10/3 hàng năm
Vào ngày 6 tháng 12 năm 2012, UNESCO đã công nhận Đền Hùng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hy vọng với những thông tin trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các địa điểm du lịch tâm linh ở gần Hà Nội, từ đó lựa chọn cho mình chuyến đi phù hợp nhất với gia đình và người thân.
0 bình luận