- Tin tức > Du lịch > Tây Nguyên > Gia Lai >
3 bãi đá cổ hình lục lăng ở Gia Lai
Những khối đá bazan hình lăng trụ nằm san sát nhau tạo thành một quần thể đá có hình thù kỳ lạ, niên đại hàng trăm triệu năm tuổi.
Bãi đá cổ ở làng Vân
Thuộc thị trấn Yaly, huyện Chư Păh, người Jrai quanh vùng gọi nơi này là Jrai Phă (jrai nghĩa là thác nước, phă là bể). Một số khách đến tham quan còn gọi là suối Đá Đĩa vì nơi này có hình dạng như Ghềnh Đá Đĩa, di tích quốc gia đặc biệt ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Bãi đá làng Vân có điểm nhấn là dòng suối chảy ngang chia bãi đá làm 2 phần đều nhau. Ảnh: Nguyễn Thị Bích Vân
Bãi đá có hàng trăm cột đá có hình lục lăng, được xếp cạnh nhau san sát, nhìn từ trên cao, nơi này như một “tổ ong” bằng đá khổng lồ. Theo các nhà địa chất, về hình thức, bãi đá tại con suối qua làng Vân có sự tương đồng với Ghềnh Đá Đĩa, về niên đại đã vượt 100 triệu năm tuổi.
Địa điểm này nằm giữa xã La Phí và thị trấn Yaly, con suối chảy qua nhiều làng của người Jrai trước khi đổ ra hồ chứa nước của Nhà máy thủy điện Yaly. Trong khi suối chảy đến đoạn làng Vân thì trồi lên một bãi đá rộng khoảng 2 ha.
Quần thể đá cổ ở làng Đôn Hyang
Cách TP Pleiku khoảng 45 km về phía đông, nằm cạnh nhà máy thủy điện H’Chan, xã Đê Ar, huyện Mang Yang. Những thanh đá tại đây có hình lục lăng tương đối đều đặn, đứng thẳng theo phương vuông góc, xiên nghiêng hoặc song song với mặt đất.
Quần thể đá cổ ở làng Đôn Hyang có hình khối to lớn với nhiều hố trơn, khách tham quan phải mang giày dép chắc chắn, đi lại cẩn thận và giữ gìn vệ sinh chung. Ảnh: Nguyễn Thị Bích Vân
Từ lâu, quần thể đá nơi đây chịu tác động mạnh của dòng sông Ayun nên bị bào mòn đáng kể và tạo nên những hình ảnh khác lạ so với bãi đá cổ tại làng Vân. Đường đi đến bãi đá quanh co, lối nhỏ, có nhiều đoạn dốc. Khi đến, khách tham quan có thể hỏi công nhân nhà máy thủy điện H’Chan để được hướng dẫn. Nơi này thỉnh thoảng có những đoàn khách ghé thăm, đa phần là giáo viên, học sinh và thanh niên ở các xã thuộc 2 huyện Chư Sê và Mang Yang.
“Thiên đường đá” lục lăng
Cách thị xã An Khê khoảng 50 km là huyện Kông Chro, người dân nơi đây tự hào vì huyện nhà có “thiên đường đá” lục lăng tại xã Kông Yang, những bãi đá gắn với nhiều sự tích huyền bí, linh thiêng. Theo ngôn ngữ của người Ba Na, Kông Chro có nghĩa là núi lớn, còn Kông Yang là núi trời, núi thiêng. Người Ba Na tin rằng những cụm đá, núi đá tại xã là nơi sơn thần trú ngụ, là nhà của Yàng.
Núi đá Ông ở làng Hra nhô ra khỏi dốc đứng sừng sững, lộ rõ những khối đá lăng trụ như tổ ong. Ảnh: Nguyễn Thị Bích Vân
Những trụ đá bazan có hình lục lăng ẩn sâu trong lớp đất như chông như cọc dài từ 1,5 m đến 3 m mỗi cây, nằm san sát nhau. Đá mọc khít nhau như vậy nhưng cây rừng tại xã Kông Yang vẫn sống được. Du khách đến xã Kông Yang có thể ghé thăm núi đá Ông ở làng Hra, nằm sát bên dòng sông Ba hiền hòa, ngọn núi thẳng đứng có cụm đá hình lục lăng nhô ra bên sườn là điểm nhấn của khu vực này.
Huỳnh Nhi / Vnexpress
Ảnh: Nguyễn Thị Bích Vân
0 bình luận